Vụ đấu giá gỗ sưa ở Hà Nội đổ bể vì khách chê quá đắt

Tạp Chí Nhân Đạo
Buổi đấu giá gỗ sưa của dân cư thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) dự kiến diễn ra ngày 12/9 đã bị hủy, do không có hồ sơ tham gia đấu giá.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng nghiệp vụ I (Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, Sở Tư pháp Hà Nội), thông tin buổi đấu giá gỗ sưa dự kiến diễn ra tại trụ sở UBND xã Hòa Chính ngày 12/9 đã bị hủy.

"Có thể do khách hàng cho rằng mức giá người dân đưa ra quá cao", ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, việc mua gỗ sưa số lượng lớn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, trong nước ít có nhu cầu. Nhiều người cũng cho rằng gỗ sưa có yếu tố tâm linh nên việc đấu giá không đơn giản như đối với các loại mặt hàng khác.

Vụ đấu giá gỗ sưa ở Hà Nội đổ bể vì khách chê quá đắt
Cây sưa trong sân chùa thôn Phụ Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) trước khi chặt hạ để đem đấu giá. Ảnh: Phạm Trường.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Tuyến, Trưởng thôn Phụ Chính, cho biết sau khi buổi đấu giá dự kiến bị hủy, đại diện cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính sẽ ngồi lại để xem xét "có giảm giá gỗ hay không".

Trước đó, vào đầu tháng 7, buổi đấu giá gỗ sưa lần thứ nhất cũng đã không diễn ra bởi người mua hồ sơ không ai chịu đặt cọc.

Tại khuôn viên chùa Vĩnh Phúc ở thôn Phụ Chính có 2 cây gỗ sưa, trong đó 1 cây là loại sưa đỏ quý hiếm. Ở thời điểm được giá, cây sưa từng được trả 26 triệu/kg, tương đương với hơn 100 tỷ đồng. Người dân thôn Phụ Chính nhiều lần làm đơn xin chính quyền cấp phép cho bán cây để có nguồn kinh phí tu bổ chùa và xây các công trình phúc lợi.

Tháng 10/2018, UBND TP. Hà Nội có công văn về việc các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác gỗ sưa theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

Đến đầu năm nay, người dân trong thôn Phụ Chính cùng lực lượng chức năng bắt đầu chặt hạ 2 cây sưa tại chùa Vĩnh Phúc. Người dân sau đó kiểm đếm gỗ và cho vào trong thùng container hàn chắc lại, chờ thời điểm đem ra bán đấu giá.

Theo Zing