Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện cả nước có hơn 6,4 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có 31,7% số này nằm trong lực lượng lao động. Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở LĐTBXH, Thành phố có trên 109.000 người khuyết tật, trong đó khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động và trên 9.600 người khuyết tật đã có việc làm.
Khó khăn tìm cơ hội việc làm
Trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật vốn đã khó khăn thì khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giải quyết vấn đề này càng thêm nhiều trở ngại. "Tôi đã đi xin việc khắp nơi, kể cả các công ty, xí nghiệp, nhưng ngay từ việc qua cổng bảo vệ cũng đã khó khăn chứ chưa nói tới việc gặp được người có trách nhiệm để nộp hồ sơ hay gặp người quản lý để được trao đổi, phỏng vấn…", một người lao động khuyết tật ở huyện Hoài Đức chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị Hương - người khuyết tật ở quận Hai Bà Trưng, thì bộc bạch: “Tôi có bằng Trung cấp tin học, muốn tìm công việc văn thư, hành chính, bán hàng nhưng rất khó khăn vì các vị trí này đa số có yêu cầu cao về ngoại hình, sức khỏe… Tôi cũng được giới thiệu làm nghề may nhưng hiện nay lại chưa biết nghề, và cơ sở này ở ngoại thành nên tôi cũng không đáp ứng được do hạn chế trong di chuyển”.
Tại tọa đàm “Quyền làm việc của người khuyết tật - Từ chính sách đến thực tiễn” diễn ra mới đây tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã cho rằng, lao động là người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc vì thiếu kỹ năng, kiến thức; thậm chí nhiều người không biết khả năng hay sở thích của mình là gì.
Không chỉ vậy, vấn đề người khuyết tật đang gặp phải đó chính là tâm lý của họ, của người thân trong gia đình bao bọc nhiều quá hoặc buông xuôi. Người khuyết tật gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm còn bởi không có nguồn tiếp cận cơ hội, như không có điện thoại thông minh để vào mạng, không biết sử dụng mạng xã hội.
Cần có chính sách hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp của người khuyết tật
Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật, nhưng các công ty lại không mặn mà vì thiếu những cơ chế. Trong khi đó, doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc đồng nghĩa với phải thay đổi cơ sở hạ tầng để người khuyết tật tiếp cận được...
Bà Chử Thanh Hương - Sáng lập viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Xã hội Vì người khiếm thính Việt Nam, người trực tiếp tuyển dụng lao động người khuyết tật cho hay: Các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động là người khuyết tật do không tìm ra ứng viên đáp ứng được yêu cầu.
“Nguyên nhân là phần lớn người khuyết tật có trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo nghề hoặc chưa được đào tạo nghề đúng với khả năng, các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chủ yếu đào tạo ngắn hạn, ở trình độ bậc thấp không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.Việc học tập và đào tạo kỹ năng của người khuyết tật ở Việt Nam còn nhiều mặt chưa tốt chưa đồng bộ, chưa có nhiều dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật bao trùm về mặt việc làm sinh kế”, bà Hương phân tích.
Ông Lê Việt Cường - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, sáng lập Hợp tác xã Vụn Art chia sẻ: “Dạy nghề cho người khuyết tật không đơn giản là từ 3 đến 6 tháng, mà có khi phải lên tới 5 năm. Chúng tôi phải mời chuyên gia hỗ trợ dạy nghề, kỹ năng làm việc nhóm, tăng cường hòa nhập giữa những người khuyết tật, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm phù hợp sức khỏe, trình độ, văn hóa, nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, để giải quyết được nhiều việc làm cho người khuyết tật, rất cần tạo điều kiện cho chính người khuyết tật được khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển; có chính sách hỗ trợ phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp của người khuyết tật được hỗ trợ về thuế, chậm nộp bảo hiểm xã hội, hỗ trợ cơ sở hạ tầng tốt hơn, tiếp cận vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội diện tín chấp dễ dàng hơn, quan tâm bảo hộ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật…".
Bà Đinh Thị Thụy - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam nhấn mạnh: “Hiện nay, còn nhiều khoảng trống về chính sách đối với người lao động là người khuyết tật, doanh nghiệp do người khuyết tật thành lập, doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật.
Thời gian tới, Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam sẽ phối hợp cùng các đơn vị hữu quan tăng cường rà soát các chính sách để có thể hỗ trợ lao động là người khuyết tật ngày càng tốt hơn, đơn cử như chính sách ưu đãi về đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người khuyết tật, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với người khuyết tật, đa dạng hóa sinh kế bền vững cho người khuyết tật...".