Trong hơn 20 năm, lực lượng Cảnh sát biển đã khẳng định được vai trò, vị trí của lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật trên biển. Tuy nhiên, trong tình hình mới, với diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Pháp lệnh Cảnh sát biển năm 1998 và Pháp lệnh Cảnh sát biển sửa đổi, bổ sung 2008 đã bộc lộ nhiều bất cập.
Với đòi hỏi của thực tiễn, ngày 19/11/2018 Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội khóa 14 thông qua. Đây được coi là cơ sở pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực thi pháp luật trên biển. Thể hiện sự tập trung ý chí của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của Nhân dân. Là tuyên bố mạnh mẽ về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đối với hệ thống pháp luật
- Việc Quốc hội khoá XIV nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới quản lý, bảo vệ biển đảo Việt Nam.
- Góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của Nhà nước bằng pháp luật trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.
Đối với xã hội
- Sự ra đời của Luật Cảnh sát biển Việt Nam thể hiện tuyên bố mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng biện pháp pháp luật, hòa bình; góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, quyết tâm xây dựng vùng biển hòa bình ổn định, hợp tác, phát triển.
- Thể chế hóa quan điểm của Đảng trong tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.
- Tạo cơ sở pháp lý vững chắc, tạo sự đồng thuận cao, sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức xã hội của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
- Kiến tạo môi trường, bảo đảm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân phát huy khả năng nhằm phát triển kinh tế biển Việt Nam; góp phần thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Đối với Cảnh sát biển Việt Nam
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, có ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng đặc biệt đối với Cảnh sát biển Việt Nam.
- Khẳng định rõ ràng vị trí, vai trò của Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
- Là công cụ sắc bén cho Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng biện pháp pháp luật; bảo vệ tài nguyên, môi trường, tính mạng, tài sản của tổ chức, cá nhân, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.
- Tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên về nguồn lực xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng; tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại tương xứng với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới.
- Tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng để Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với Cảnh sát biển/lực lượng thực thi pháp luật của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển.
- Tạo điều kiện phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đóng quân đối với các hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam thông qua quy định về phối hợp hoạt động.
- Tạo thuận lợi cho Cảnh sát biển Việt Nam bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ Nhân dân Việt Nam làm ăn hợp pháp trên biển; đồng hành cùng ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam và trên vùng biển quốc tế.
Việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 là một bước quan trọng để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm về tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh trên biển. Chủ trương lớn nhất và xuyên suốt là quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển Việt Nam nhưng phải giữ gìn môi trường hòa bình ổn định trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua Luật Cảnh sát biển là tuyên bố mạnh mẽ, thể hiện ý chí tập trung của Đảng, Nhà nước về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp pháp luật, hòa bình, phù hợp pháp luật quốc tế.