Liên hợp quốc là tổ chức đa phương lớn nhất thế giới với sứ mệnh duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và phát triển của các quốc gia trên thế giới. Hợp tác với Liên Hợp Quốc luôn giữ một vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, phản ánh ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta cùng nhân dân thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển.
Sau 45 gia nhập, đồng hành và đóng góp vào công việc chung của Liên Hợp Quốc (20/9/1977-20/9/2022), từ một đất nước phải nhận rất nhiều viện trợ, Việt Nam dần trở thành một thành viên có nhiều đóng góp và dấu ấn trong hoạt động của tổ chức lớn nhất hành tinh này.
Từ ngày 13/9/2022, Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đảm nhiệm vị trí này trong vòng 1 năm. Cũng trong ngày 13/9, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã khai mạc khóa họp lần thứ 77 dưới sự chủ trì của tân Chủ tịch Csaba Korosi - người vừa nhậm chức một ngày trước đó.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là cơ quan có tính đại diện cao nhất của Liên Hợp Quốc với sự tham gia của 193 quốc gia thành viên. Chính vì vậy, đây là nơi thể hiện ưu tiên, quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Đại hội đồng cũng là cơ quan hoạch định chính sách rất quan trọng của Liên hợp quốc nhằm khẳng định, thực hiện vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong quản trị toàn cầu, trong xử lý các thách thức chung mà cộng đồng quốc tế đang gặp phải hiện nay.
Việc Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là khi năm nay chúng ta kỷ niệm 45 năm Ngày Việt Nam trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã khẳng định: Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực. Việt Nam cho thấy những cam kết mạnh mẽ của một quốc gia luôn tích cực nỗ lực xây dựng lòng tin và đối thoại, làm cầu nối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới.
Việc Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021 là một trong những minh chứng điển hình. Việt Nam được đánh giá đã thể hiện vai trò chủ động, cân bằng, trách nhiệm khi đưa ra những đề xuất, đóng góp thiết thực vào hoạt động của Hội đồng Bảo an, chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu.
Nổi bật là việc khi đại dịch COVID-19 bùng phát và lây lan trên toàn cầu, Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy để Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm; cùng với Đức khởi xướng và trở thành nước sáng lập Nhóm Bạn bè của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, ra mắt cuối tháng 6/2021.
Tại buổi lễ kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Nhóm diễn ra ở New York tháng 6/2022, đại diện nhiều nước đã hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam cũng như các nước đồng sáng lập nhóm, góp phần đề ra cam kết của đông đảo thành viên Liên Hợp Quốc, các nước thành viên UNCLOS đối với Công ước vốn lâu nay được coi là “Hiến pháp của đại dương”.
Việc Việt Nam tham gia tích cực trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2014 cũng tạo dấu ấn với cộng đồng quốc tế. Từ tháng 6/2014 đến tháng 8/2022, có 512 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Việt Nam được cử đi làm nhiệm vụ ở phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei... Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các hoạt động hòa bình Jean-Pierre Lacroix đã cảm ơn Việt Nam về sự ủng hộ mạnh mẽ cũng như những đóng góp tích cực đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Ông Lacroix đánh giá cao tính chuyên nghiệp, sự tận tụy, nỗ lực, hy sinh của các binh sĩ Việt Nam khi phải thực hiện nhiệm vụ trong những môi trường khó khăn, đặc biệt bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Nam Sudan đã đóng vai trò quan trọng trong thành công chung của phái bộ Liên Hợp Quốc tại quốc gia châu Phi này, đảm bảo sức khỏe và điều kiện y tế cho lực lượng cán bộ, binh sĩ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, nhất là trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành...
Vị thế, uy tín của Việt Nam được nâng cao sau 45 năm gia nhập Liên Hợp Quốc
Nguyễn Hồng Hạnh
13:39 20/09/2022
Ngày 20/9/1977, Việt Nam đã chính thức gia nhập Liên hợp quốc, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Việc gia nhập là bước đi đúng đắn của Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập với thế giới.