Vì sao nắng nóng đổ lửa thiêu đốt khắp thế giới?

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Thế giới đang trải qua thời tiết nắng nóng khắc nghiệt ở khắp nơi, với nhiệt độ kỷ lục từ Mỹ đến châu Âu và châu Á, trong đó có Việt Nam.

nang-nong-1655615667.jpg

Thời tiết nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh: AFP

Sóng nhiệt báo hiệu thảm họa khí hậu

Khi các kết quả đo nhiệt độ bắt đầu được đưa ra từ các trạm thời tiết ở Nam Cực vào đầu tháng 3, các nhà khoa học ban đầu nghĩ rằng có thể có một số sai lầm. Nhiệt độ - lẽ ra sẽ giảm nhanh chóng khi mùa hè ngắn ngủi của Nam Cực tắt dần, lại tăng vọt. Tại trạm Vostok, cách cực nam khoảng 1.300km, các nhiệt kế ghi nhận mức nóng khủng khiếp hơn 15 độ C so với kỷ lục mọi thời đại trước đó, trong khi ở Terra Nova, nước lơ lửng trên mức đóng băng, chưa từng có trong năm.

“Thật kinh ngạc. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều gì như thế này”, Ted Scambos - nhà khoa học về băng tại Đại học Colorado - nói với AP.

Nhưng đó không phải tất cả. Tại Bắc Cực, nhiệt độ bất thường tương tự cũng được ghi nhận, đáng kinh ngạc là vào thời điểm trong năm khi Bắc Cực từ từ ra khỏi đợt đóng băng sâu vào mùa đông. Các nhà nghiên cứu cho biết, khu vực này ấm hơn 3 độ C so với mức trung bình dài hạn của nó.

Sóng nhiệt ở một cực có thể được coi là một cảnh báo; sóng nhiệt ở cả hai cực cùng một lúc dường như báo hiệu một thảm họa khí hậu. Kể từ đó, các trạm thời tiết trên khắp thế giới đã đo được làn sóng nhiệt toàn cầu.

Một đợt nắng nóng đã tấn công Ấn Độ và Pakistan vào tháng 3, với nhiệt độ cao nhất trong tháng đó kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi cách đây 122 năm. Nắng nóng gay gắt vẫn tiếp tục trên khắp tiểu lục địa, gây ra thảm họa cho hàng triệu người.

Trong khi đó, mùa xuân ở Mỹ giống như giữa mùa hè, với nhiệt độ tăng vọt trên khắp đất nước vào tháng 5. Tây Ban Nha chứng kiến ​​thủy ngân chạm ngưỡng 40 độ C vào đầu tháng 6 khi một đợt nắng nóng quét qua Châu Âu. Tuần trước, nền nhiệt ở Anh vượt qua mức 32 độ C ở London - là ngày nóng nhất trong năm cho đến nay.

Các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam cũng đang hứng chịu đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ trên 38 độ C. Nhiệt độ ở Hà Nội ngày 19.6 cũng lên đến 38 độ C.

Tác động của con người

Các nhà khoa học đã có thể nhanh chóng chứng minh rằng, nhiệt độ kỷ lục này không phải tự nhiên mà có. Một nghiên cứu được công bố vào tháng trước cho thấy, đợt nắng nóng ở Nam Á có khả năng xảy ra cao hơn 30 lần do tác động của con người đến khí hậu.

Vikki Thompson - nhà khoa học khí hậu tại Viện Đại học Bristol’s Cabot - giải thích: “Biến đổi khí hậu đang làm cho các đợt sóng nhiệt nóng hơn và kéo dài hơn trên khắp thế giới. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, nhiều đợt nắng nóng đặc biệt dữ dội xuất hiện thường xuyên hơn là do biến đổi khí hậu do con người gây ra. Dấu hiệu biến đổi khí hậu thậm chí còn có thể phát hiện được ở số người chết do sóng nhiệt”.

Friederike Otto - giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Grantham, Đại học Hoàng gia London - cho hay, chỉ riêng các đợt nắng nóng ở Châu Âu đã tăng tần suất gấp 100 lần hoặc hơn, do hành động của con người trong việc phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển. Bà nói: “Biến đổi khí hậu là một nhân tố thực sự thay đổi cuộc chơi khi nói đến các đợt nắng nóng, chúng đã tăng lên về tần suất, cường độ và thời gian trên khắp thế giới”.

Mức nhiệt này đe dọa nghiêm trọng trực tiếp đến sức khỏe con người và gián tiếp gây hại cho mùa màng, gây cháy rừng và thậm chí gây hại cho môi trường xây dựng.

Trong khi đó, việc sử dụng điều hòa là một khía cạnh khác của vấn đề. Việc sử dụng điều hòa ngày càng tăng và tiêu thụ năng lượng lớn có nguy cơ đẩy nhanh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Radhika Khosla - Phó Giáo sư tại Trường Smith thuộc Đại học Oxford - cho rằng, cộng đồng toàn cầu phải cam kết làm mát bền vững, nếu không có nguy cơ đẩy thế giới vào kết cục thảm khốc với hậu quả là Trái đất thậm chí ngày càng nóng lên.

nhiet-do-1655615834.jpeg


1 euro 1 chai nước ở Paris, ngày 17.6.2022, khi một đợt nắng nóng quét qua phần lớn nước Pháp và Châu Âu. Ảnh: AFP

Giảm tác động của nắng nóng

Theo các chuyên gia, có nhiều cách để giảm tác động của nắng nóng. Sơn trắng mái nhà ở các nước nóng để phản chiếu ánh nắng mặt trời, trồng cây thường xuân trên tường ở các vùng ôn đới, trồng cây lấy bóng mát, xây đài phun nước và nhiều mảng xanh hơn ở các thành phố, thay đổi vật liệu sử dụng cho các tòa nhà… đều có thể hữu ích.

Nhưng những biện pháp này mãi mãi chỉ là tạm thời và chỉ có cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới có thể ngăn chặn sự hỗn loạn khí hậu. Các đợt nắng nóng đang diễn ra khi Trái đất ấm lên khoảng 1,2 độ C so với mức tiền công nghiệp. Các quốc gia đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 vào tháng 11 năm ngoái sẽ nỗ lực không để nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C.

Nếu không đạt được mục tiêu này thì những tán cây râm mát hoặc những mái nhà trắng cũng không bảo vệ được khoảng 1 tỉ người phải chịu cái nóng khắc nghiệt.