Vì sao Mỹ dự trữ dầu trong các mỏ muối sâu 1 km dưới lòng đất?

Tạp Chí Nhân Đạo
Sau khi các cơ sở dầu trọng yếu của Saudi Arabia bị tấn công, Mỹ để ngỏ khả năng mở kho dầu dự trữ chiến lược. Đó là 640 triệu thùng dầu dưới lòng đất ở Texas ở Louisiana.

Để trấn an thị trường trước nguy cơ giá cả tăng cao, Tổng thống Trump tuyên bố có thể dùng dầu dự trữ “để ổn định nguồn cung cho thị trường”.

Ông đang nói đến 640 triệu thùng dầu cất giữ trong các hang động thuộc mỏ muối dưới lòng đất ở bang Texas và Louisiana.

Xuất phát từ khủng hoảng dầu lửa 1973

Ý tưởng “dự trữ chiến lược” này bắt nguồn từ thập niên 1970. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), bao gồm Iran, Iraq, Kuwait, Qatar và Saudi Arabia, cấm xuất khẩu dầu sang Mỹ, làm giá dầu tăng gấp bốn lần từ 3 USD lên 12 USD một thùng, vì Mỹ ủng hộ Israel trong chiến tranh Arab - Israel năm 1973.

Cuộc chiến kéo dài ba tuần, nhưng lệnh cấm vận kéo dài tới tháng 3/1974. Người dân nhiều nước phải xếp hàng dài để đổ xăng.

Kể từ đó, các nước thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế phải có kho dự trữ dầu bằng lượng nhập khẩu 90 ngày. Mỹ có kho dự trữ lớn nhất thế giới.

Vì sao Mỹ dự trữ dầu trong các mỏ muối sâu 1 km dưới lòng đất?
Dầu được cất giữ trong các hang động muối nhân tạo ở độ sâu 1 km. Ảnh: Getty Images.

Quốc hội Mỹ thông qua Luật Chính sách và Tiết kiệm Năng lượng năm 1975, từ đó lập ra bốn điểm dự trữ dầu: gần Freeport và Winnie ở bang Texas, bên ngoài hồ Charles và Baton Rouge ở bang Louisiana.

Các hang muối ở độ sâu 1 km

Dầu được cất giữ trong các hang động muối nhân tạo ở độ sâu 1 km. Cách thức này rẻ hơn nhiều so với dự trữ dầu trên mặt đất và an toàn hơn. Muối và các điều kiện địa chất ở dưới đó đảm bảo rằng dầu sẽ không rò rỉ.

Trang web của cơ quan dự trữ dầu Mỹ cho biết có 644,8 triệu thùng dầu trong kho tính đến ngày 13/9. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng của nước này, người Mỹ dùng 20,5 triệu thùng dầu trung bình mỗi ngày năm 2018, như vậy kho dự trữ đủ dùng cho 31 ngày.

Theo bộ luật năm 1975, tổng thống Mỹ có thể cho phép mở kho dự trữ dầu nếu “có gián đoạn nghiêm trọng đối với nguồn cung dầu”.

Vì sao Mỹ dự trữ dầu trong các mỏ muối sâu 1 km dưới lòng đất?
Khủng hoảng dầu lửa 1973 cũng xuất phát từ căng thẳng ở Trung Đông sau chiến tranh Yom Kippur giữa Israel với liên minh các nước Arab. Ảnh: Getty. 

Điều kiện giới hạn ở dưới mỏ chỉ cho phép lấy ra lượng nhỏ dầu mỗi ngày. Như vậy, phải mất gần hai tuần dầu mới ra đến thị trường. Đó là dầu thô, cần phải được chế biến thành xăng để dùng cho xe hơi, máy bay, tàu bè.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry nói với kênh CNBC ngày 16/9 rằng “vẫn còn sớm” để bàn việc lấy dầu từ kho dự trữ sau vụ tấn công ở Saudi Arabia.

Lần cuối dầu được lấy ra là năm 2011, khi hỗn loạn từ biểu tình ở Trung Đông buộc các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế lấy ra tổng cộng 60 triệu thùng dầu để ổn định nguồn cung năng lượng.

Mỹ cũng một số lần bán dầu từ kho. Tổng thống George H. W. Bush cho phép dùng dầu dự trữ trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, trong khi con trai ông, Tổng thống George W. Bush cho phép bán 11 triệu thùng dầu sau bão Katrina.

Vì sao Mỹ dự trữ dầu trong các mỏ muối sâu 1 km dưới lòng đất?
Vị trí các kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ. Ảnh: BBC.

Trong bối cảnh sản lượng dầu của Mỹ tăng vọt những năm gần đây, một số ý kiến đặt dấu hỏi về sự cần thiết của kho dự trữ dầu mỏ khổng lồ dưới lòng đất. Một báo cáo từ Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ của Quốc hội Mỹ đề nghị từ bỏ kho dự trữ này.

Năm 2017, Tổng thống Trump từng nhắc đến việc bán nửa số dầu dự trữ để đối phó với thâm hụt ngân sách. Tổng thống Bill clinton năm 1997 đã làm tương tự, bán ra 28 triệu thùng dầu để giảm thâm hụt.

Không chỉ Mỹ, các nước phát triển khác hiện nay cũng có kho dự trữ dầu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các nước này có đủ dầu dự trữ để đáp ứng hai tháng tiêu thụ, với tổng cộng 3 tỷ thùng trong kho.

Con số này đã tăng 50 triệu thùng so với một năm trước, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ ngăn cản khả năng xuất khẩu của Iran và Venezuela, và đang ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2017.

Hai mục tiêu bị tấn công ngày 14/9 bao gồm mỏ dầu lớn thứ hai Saudi Arabia ở Khurais, sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày và cơ sở chế biến dầu lớn nhất thế giới ở Abqaiq, có công suất 7 triệu thùng/ngày.

Sản lượng dầu của Saudi Arabia có thể mất đi hơn một nửa, tức 5,7 triệu thùng/ngày, khoảng 5% tổng sản lượng dầu toàn thế giới, theo thông cáo của Công ty Dầu Saudi Arabia (Aramco). 

Theo Zing