Về miền Tả Van với văn hóa của đồng bào dân tộc Giáy

Tạp Chí Nhân Đạo
Làng Tả Van Giáy thuộc xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam là khu làng nhỏ nằm ở dưới thung lũng Mường Hoa, gồm 110 hộ dân với 550 nhân khẩu thuộc vùng đệm trong địa phận của Vườn quốc gia Hoàng Liên. Đây là nơi hội tụ tinh hoa của đất trời với phong cách, lối sống cũng như những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Giáy.
Nguồn gốc của người Giáy xa xưa thuộc tộc người Bố Y ở Trung Quốc di cư sang Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ XVII – XVIII. Người Bố Y sinh sống chủ yếu ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu. Giáy là tên đồng bào tự gọi, tên gọi khác là Nhắng, Giằng là do các tộc người xung quanh đặt cho họ. Trong văn hóa của người Giáy Tả Van đặc sắc nhất là trang phục. Trang phục của người phụ nữ Giáy ở Lào Cai khác với những người Giáy sinh sống ở Lai Châu, Hà Giang. 
Phục dựng đám cưới của dân tộc Giáy ở  Lai Châu
 Phụ nữ Giáy mặc quần bằng vải lụa, sa tanh màu đen nhưng cạp quần dùng vải màu đỏ và khâu luồn dây thắt lưng. Áo của phụ nữ có nhiều màu nhưng lại không có màu trắng. Áo dài cài khuy vải hoặc khuy bạc ở nách bên phải. Cổ đứng, viền vải khác màu ở cà vạt cài khuy và ở viền tay áo. Ngày nay, đa số các cô gái Giáy mặc áo viền cổ, viền tay áo và cả tà áo với nhiều loại màu. Các đường viền trước đây được phân biệt giữa già và trẻ bằng đường viền, viền áo to là dành cho người già, còn viền áo nhỏ là dành cho người trẻ tuổi. Trang phục nam giới cũng đơn giản. Theo phong tục truyền thống, đàn ông thường mặc quần áo, vấn khăn. Áo được thiết kế chấm gối, cánh xẻ ngực, cổ tròn, đúng, cài cúc vải. Quần là loại ống đứng, cạp to bản. Trong sinh hoạt hàng ngày, một số người nam thường quấn khăn trên đầu, có nhóm người Giáy khác lại mặc áo xẻ nách và thậm chí là có rất nhiều người nuôi tóc dài để búi.
Ngôi nhà của người Giáy trước đây vốn là nhà sàn, nhưng do đặc điểm nơi cư trú, nên có nhóm làm nhà đất. Theo quan niệm của người Giáy, đất và hướng nhà là 2 yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sự thành bại của gia chủ. Nên trong việc cất nhà họ chọn lựa và tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định cất nhà theo truyền thống. Trước khi tìm đất cất nhà, họ thường nhờ đến thầy mo cúng xin thần linh cho đất phù hợp với gia đình và dòng họ. Chọn nơi làm nhà, bao giờ người Giáy cũng quan tâm đến nguồn nước, bên cạnh ý nghĩa tâm linh là nơi mát mẻ, an bình, họ còn có điều kiện canh tác, trồng lúa nước, làm nương rẫy... 
Sau khi chọn được đất, với người Giáy, xây dựng nhà cần phải chú ý chọn hướng. Họ quan niệm làm nhà đúng hướng sẽ đem đến tài lộc, hạnh phúc... cho mọi thành viên. Theo quan niệm của người Giáy, chọn hướng nhà như vậy mới được thần núi che chở, bảo vệ khỏi những điều xui xẻo. Ngoài ra, hướng đó phải thoáng đãng, rộng lớn, không bị che khuất tầm nhìn và không có mồ mả chắn phía trước, như vậy mới có thể làm ăn phát đạt. Khi đã có được mảnh đất ưng ý, họ bắt đầu chọn hướng và khởi công cất nhà. Nhà ở của người Giáy có 3 gian, vật liệu là những cây gỗ chặt trong rừng làm cột, kèo, sàn nhà; vách làm bằng cây nứa chẻ ra rồi đan lại và trộn rơm trét đất, mái lợp tranh.
Hàng năm, bà con dân tộc Giáy có nhiều lễ Tết, mỗi lễ Tết lại có những phong tục và ẩm thực độc đáo. Trong đó, Tết Nguyên đán được người Giáy gọi là “Xiêng láo”, nghĩa là tết to, tết cả. Trong những ngày Tết này, các món bánh gù, bánh khảo, bánh bỏng, xôi tím, khâu nhục… là không thể thiếu. Người Giáy quan niệm, các loại bánh gù, bánh khảo, bánh bỏng, xôi tím… dâng lên tổ tiên trong ngày Tết là để báo cáo thành quả lao động trong một năm qua, đồng thời cầu xin tổ tiên ban cho sức khỏe, sự may mắn, có một vụ mùa bội thu. Vì thế, các công đoạn chuẩn bị làm các món bánh cúng tổ tiên bà con chuẩn bị rất kỹ càng và cẩn thận. Từ chiều 30 tết, mọi người tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới chuẩn bị đón tết. Hương, nến được thắp lên và giữ liên tục không được tắt cho đến lúc lễ hóa vàng xong. Như nhiều dân tộc khác, người Giáy cũng có tục đón linh hồn tổ tiên về trước giao thừa và cúng lễ hóa vàng (những vật phẩm cúng lễ bằng giấy như quần áo, tiền, vàng mã được đốt đi) để tiễn ông bà về trời. Tuy nhiên, người Giáy có nhiều dòng họ khác nhau, lễ hóa vàng của mỗi dòng họ cũng có sự khác biệt. Chẳng hạn họ Vương (Vàng) và một số họ khác làm lễ hóa vàng vào chiều mùng 1 tháng giêng, người họ Sầm (Sần) thì phải đến tận ngày mùng 3.
     Cũng như nhiều dân tộc khác, người Giáy coi trọng chuyện hôn nhân, coi trọng sự nối dõi dòng tộc. Trong hôn nhân, người Giáy ít quan tâm đến giàu hay nghèo, chủ yếu chú ý đến phẩm chất đạo đức và nền nếp gia phong hai bên.
Để tiến tới hôn nhân, người Giáy phải thực hiện trang trọng các nghi lễ truyền thống như: “dạm hỏi”, “dẫn cưới” và “lễ đón dâu”. Lễ ăn hỏi của người Giáy thường có 3 mức thách cưới: thách cưới rượu thịt để mời khách trong lễ cưới; thách của hồi môn cho người con gái mang về nhà chồng; thách cưới thóc gạo cho bố mẹ.
Xã hội ngày càng phát triển, đang làm mất dần những truyền thống xưa cũ, nhưng với người Giáy Tả Van, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc chính là cho tương lai, cho thế hệ sau.
Ths. Lê Thanh Vân - Lê Thị Tuyết Nhung 
Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội