Về Đề án “Phi biên chế ngành giáo dục”- Ai kiểm soát “quyền quá to” của Hiệu trưởng?

Tạp Chí Nhân Đạo
Chính sách "không biên chế trong giáo dục” sẽ là một cú hích để tạo sự thay đổi chỉ khi thực hiện đồng bộ cơ chế dân chủ, minh bạch, người dân được bầu lãnh đạo và điều quan trọng là có chế độ thu nhập thỏa đáng cho giáo viên.

Câu chuyện về bỏ biên chế giáo viên công lập gây xôn xao dư luận, trong đó đa số cho rằng, bỏ biên chế là phù hợp, là đúng với xu hướng lựa chọn giá trị cung - cầu hiện nay; là loại bỏ những cá nhân yếu kém; là tránh được tình trạng chạy biên chế rất tốn kém như hiện nay... Nhưng, bên cạnh đó, cũng không thiếu những ý kiến hoài nghi về mục đích cũng như tính hiệu quả của chính sách mới này.

ve-de-an-phi-bien-che-nganh-giao-duc-ai-kiem-soat-quyen-qua-to-cua-hieu-truong
Ảnh minh họa

Không có thay đổi lớn

Bỏ biên chế nhà nước không có nghĩa là nhà nước bỏ mặc trường học nhà nước, bỏ mặc giáo viên..., giáo viên vẫn là người làm trong khu vực nhà nước, hưởng các chế độ, chính sách nhà nước quy định cho giáo viên.

Nhà nước vẫn có trách nhiệm quan tâm, chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên. Nhà nước quy định thang bảng lương giáo viên, chế độ lên lương. Sẽ hoàn toàn là nhầm lẫn khi cho rằng bỏ biên chế giáo viên thì giáo viên công lập sẽ giống như giáo viên các trường tư.

Cái khác lớn nhất khi bỏ biên chế giáo viên chính là cái gọi là “biên chế suốt đời” không còn nữa, tức là nhà nước, nhà trường có thể cho thôi việc giáo viên nếu giáo viên không đáp ứng yêu cầu của công việc được giao thông qua đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

Như vậy, để tiếp tục làm việc trong nhà trường, giáo viên phải thường xuyên quan tâm tới năng lực, trình độ của mình, phải có những điều chỉnh cần thiết khi có những nhận xét, đánh giá về mình từ phía nhà trường, từ phía học sinh, buộc giáo viên phải năng động, sáng tạo, trách nhiệm nhiều hơn mới có thể tiếp tục làm việc và suy đến cùng là chất lượng giáo dục sẽ được bảo đảm và ngày càng nâng cao. Về cơ bản, quyền lợi và nghĩa vụ của giáo viên không có gì thay đổi lớn.

Người đứng đầu phải công tâm

Trao quyền lựa chọn giáo viên cho hiệu trưởng nhà trường, sẽ phải tính đến sự giám sát chặt chẽ để tránh sự lạm quyền để trục lợi cá nhân? Ai đảm bảo hiệu trưởng sẽ công tâm trong việc lựa chọn? Ai chắc chắn được hiệu trưởng không vì người thân, thậm chí vì tiền, vì các mối quan hệ mà nhận, sử dụng giáo viên yếu kém, loại bỏ những người có năng lực? Nếu không có cơ chế giám sát hữu hiệu, các trường học sẽ dễ dàng hình thành một nhóm lợi ích gồm người thân, người nhà của hiệu trưởng, những giáo viên khác muốn yên thân để tiếp tục hợp đồng cũng sẽ là những “thợ dạy” bảo sao nghe vậy. Một tập thể giáo dục như vậy, sẽ đi về đâu? Rất nhiều những băn khoăn của dư luận cũng không phải không có lý.

Có thể nói, nhiều cơ quan công vụ đang thực hiện việc đánh giá kết quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức không khoa học, chủ yếu dựa trên cảm tính, không đo lường, lượng hóa được kết quả làm việc của cá nhân trong tổ chức. Nếu không thay đổi cách đánh giá thì khó có cơ sở để đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của giáo viên.

Hơn nữa, về mặt pháp lý cũng cần tính đến những quyền của giáo viên khi thấy mình bị chấm dứt hợp đồng với lý do không thỏa đáng.

Và những trăn trở…

Thí điểm bỏ biên chế giáo viên đang mới chỉ là ý tưởng nhưng đã khiến hàng triệu giáo viên lo lắng, hoang mang. Các chuyên gia giáo dục cũng không ít trăn trở nếu ý tưởng trở thành hiện thực.

Cô giáo Lê Thị Ngọc, giáo viên tại tỉnh Bình Dương lo ngại: Tôi nghĩ điều này ít nhiều sẽ giúp cho nền giáo dục trở nên năng động hơn. Tuy nhiên, điều tôi và đồng nghiệp lo ngại nhất là ai sẽ có quyền quyết ký hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng với giáo viên. Phải chắc rằng tìm được người ngoài năng lực thật sự còn phải công bằng, khách quan, bởi không ai có thể kiểm soát việc tuồn người có quan hệ vào. Nếu không, thì đây sẽ là cơ hội phát sinh tiêu cực rất lớn. Bởi có thể giáo viên giỏi nhưng không được lòng sếp hoàn toàn có thể bị cắt hợp đồng bất cứ lúc nào, còn những người có mối quan hệ lại được trọng dụng.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Chúng ta ở trong tư duy thời bao cấp quá lâu rồi nên vẫn có tâm lý nghĩ biên chế là công và công thì bao giờ cũng hơn tư. Tuy nhiên, đối với giáo viên thì biên chế hay không cuối cùng vẫn là công việc ổn định, thu nhập tốt, môi trường làm việc dân chủ, phát huy được khả năng. Hiện nay, lương của giáo viên được trả theo công thức chung, thành phố cũng như nông thôn, không gắn với mặt bằng giá sinh hoạt dẫn đến giáo viên buộc phải xoay sở hoặc thiếu động lực làm việc. Nhiều người trông vào biên chế chỉ là danh nghĩa, thực ra là nghĩ đến những khoản thu nhập khác như dạy thêm để tăng thu nhập. Điều này cũng dẫn đến những tiêu cực trong khâu tuyển dụng giáo viên. Vì vậy, việc chuyển sang chế độ hợp đồng có thể tạo ra sức ép nhất định để các giáo viên có động lực, thay vì chỉ cố vào được biên chế rồi thả lỏng. Tuy nhiên, cũng phải tính đến các giải pháp đồng bộ, dân chủ hóa và minh bạch hóa để có cơ chế giám sát. Đặc biệt là cơ quan quản lý phải nghiêm minh trong vấn đề xử lý các vi phạm.  Nhà nước có thể quản lý giáo viên bằng chứng chỉ hành nghề. Ở đâu cung vượt quá cầu thì có thể trả lương thấp, ở đâu cầu vượt quá cung thì mức lương có thể cao. Chẳng hạn như giáo viên lên vùng cao thì nhà nước có thể bù phần nào đó vào lương. Sự cạnh tranh bằng năng lực cũng sẽ làm bớt các khâu trung gian làm tốn chi phí và dễ nảy sinh tiêu cực. Có thể tiêu cực sẽ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, nhiều người lo lắng về quyền của hiệu trưởng nhưng sẽ có cơ chế kiểm soát nếu phát huy được tính dân chủ và xử lý nghiêm.

Về lý thuyết, bỏ biên chế giáo viên nhằm tạo ra những động lực cho sự phát triển, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế cần phải thận trọng, tính toán kỹ và phải có lộ trình, không thể thay đổi ngay được. Bởi đằng sau việc thực hiện bỏ biên chế giáo viên là một loạt mối quan hệ xã hội cần điều chỉnh.