Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII mới đây cũng đề cập đến vấn đề này, tạo thêm cơ sở để ngành Văn hóa Thủ đô hướng đến những thành công trong thời gian tới.
Những điểm nhấn
Chỉ vừa mới khép lại sau gần 10 ngày tổ chức, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội - 2022 với quy mô lớn chưa từng có cả về không gian, thời gian, số lượng sự kiện, hoạt động và lực lượng tham gia tổ chức, trải nghiệm…, để lại dấu ấn sâu đậm, khó phai trong lòng công chúng Thủ đô và đông đảo khách tham quan trong, ngoài nước. Không chỉ mang đến không khí lễ hội bao trùm toàn thành phố, sự kiện còn “kéo” người dân đến gần hơn với khái niệm “Thành phố sáng tạo”, “Văn hóa sáng tạo” - một thành công nổi bật khác của sự kiện. Đáng nói, đây chỉ là một trong rất nhiều “đầu việc” mà ngành Văn hóa Thủ đô đã làm được trong gần một năm qua, với vai trò chủ trì, phối hợp, kết nối…, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng, phát triển thành phố vì một Hà Nội “văn hiến, văn minh, hiện đại”.
Theo đó, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội - 2022 cũng là hoạt động khép lại một năm đầy ắp các sự kiện, hoạt động nhằm triển khai, thực hiện các cam kết của Hà Nội với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, như: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, hỗ trợ các không gian sáng tạo; xây dựng Chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; thiết lập Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ… Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, ngành Văn hóa Thủ đô đã phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành liên quan triển khai các sự kiện truyền thông, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi thiết kế…, nhằm tăng tính tương tác, kết nối người dân với nhịp đập văn hóa và sáng tạo của Hà Nội.
Ở lĩnh vực di sản, ngành Văn hóa Thủ đô cũng có một năm nhiều khởi sắc với điểm nhấn là triển khai Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của HĐND thành phố về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, trong đó có gói đầu tư 14.029 tỷ đồng cho tu bổ, tôn tạo 579 di tích trên địa bàn. Cũng trong thời gian này, ngành tập trung xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định chế độ đãi ngộ hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội, trình HĐND thành phố xem xét, ban hành; bình xét, đề cử các danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, đưa Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu trong đợt mới nhất này…
Theo Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Hội đã thực hiện một khảo sát nhỏ ở cơ sở để khẳng định, nhu cầu về hỗ trợ hoạt động bảo tồn di sản là có thật. Chính vì vậy, việc Hà Nội xem xét, ban hành chính sách này là vô cùng ý nghĩa, nguồn động viên thiết thực, hiệu quả trên hành trình gìn giữ, bảo tồn di sản Thủ đô.
Vì Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại
Sau thời gian dài “ngủ đông” vì dịch Covid-19, các bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội hiện đã sôi động trở lại với hàng trăm sự kiện, hoạt động tham quan, trải nghiệm hấp dẫn trải dài suốt năm qua. Qua thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, kể từ khi mở cửa trở lại đến nay, doanh thu của các đơn vị quản lý di tích tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, các di tích tiêu biểu: Đền Ngọc Sơn đã thu hút 579.600 lượt khách, doanh thu đạt 14,3 tỷ đồng; di tích Nhà tù Hỏa Lò đón 285.678 lượt khách, doanh thu 6,2 tỷ đồng; Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón 383.621 lượt khách, doanh thu 15,6 tỷ đồng...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, bên cạnh những di tích đã thành “điểm đến không thể bỏ qua” khi thăm Hà Nội, nhiều nơi khác cũng trở thành “hot trend” của giới trẻ yêu trải nghiệm văn hóa, lịch sử, như: Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Hà Nội…, cho thấy sức hút riêng có của Thủ đô di sản đã và đang được khơi dậy, lan tỏa, góp phần vào kết quả triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Cũng trên lộ trình triển khai, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, công tác phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội tiếp tục được triển khai sâu rộng từ thành phố tới thôn, làng, tổ dân phố... Có thể kể đến, cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp” chào mừng Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31; Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” thành phố Hà Nội lần thứ III; Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã nông thôn mới, phường văn minh đô thị Hà Nội lần thứ I - năm 2022; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”…
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho rằng, những kết quả đạt được của ngành trong năm qua chính là sản phẩm của năm đầu tiên triển khai, thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tổ chức ngày 24-11-2021, góp phần củng cố, lan tỏa nếp sống văn minh tại các địa bàn dân cư, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo khí thế và động lực trong cán bộ, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, xây dựng và quảng bá hình ảnh Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại trong lòng công chúng và bạn bè quốc tế.
Theo báo Hà Nội mới