Theo Tổ chức Lao động thế giới (ILO), tính đến năm 2016, có khoảng 40 triệu người là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, trong đó có 25 triệu người là lao động cưỡng bức. Đáng quan ngại, theo báo cáo, cứ một trong 4 nạn nhân của nô lệ hiện đại là trẻ em, và có tới 70% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.
Ravi Shanker Kumar người Ấn Độ từng là lao động trẻ em bị ép buộc làm việc tại một xưởng dệt thảm chật hẹp và thiếu ánh sáng ở Uttar Pradesh. Vì nghèo đói, khi Kumar 12 tuổi, cha mẹ đã đổi anh lấy 10 USD. Từ đó, Kumar phải làm việc không công từ 12 đến 15 giờ/ngày, 7 ngày 1 tuần. Kumar bị đánh đập, tra tấn, bị bỏ đói, không đủ quần áo mặc và không được điều trị nếu bị thương khi làm việc. Theo ước tính của trang endslaverynow.org, Kumar chỉ là một trong số hơn 300.000 trẻ em phải làm việc trong ngành công nghiệp dệt thảm của Ấn Độ.
Giống như Kumar, chị Flor Molina cũng là một nạn nhân của tình trạng nô lệ hiện đại. Molina từ Mexico tới Mỹ dưới sự trợ giúp của một người quen, sau đó được xác định là kẻ buôn người. Kẻ buôn người cho biết Molina nợ 3.000 USD tiền đưa vào nước Mỹ, sau đó bắt Molina phải làm việc không lương 18 giờ/ngày tại một nhà máy may ở thành phố Los Angeles. Molina bị cấm rời khỏi nhà máy, bị cấm nói chuyện khi làm việc, chỉ được ăn 1 bữa trong ngày và phải ăn trong 10 phút. Chị phải ngủ trong nhà kho, chia sẻ một tấm nệm với các nạn nhân khác. Sau 40 ngày, Molina may mắn trốn thoát, nhưng với nhiều người di cư khác, cơn ác mộng vẫn tiếp tục.
Xung đột, bất ổn chính trị, nghèo đói, thiếu cơ hội giáo dục, biến đổi khí hậu… đều có thể là lý do khiến một số người trở thành nạn nhân của nạn buôn người và bị biến thành "nô lệ thời hiện đại". Theo ước tính của Liên hợp quốc (LHQ), mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến 1 triệu người bị mua bán. LHQ cũng cảnh báo đại dịch COVID-19 gây nguy cơ làm thụt lùi nỗ lực chung trong việc chấm dứt tình trạng nô lệ thời hiện đại cũng như làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ nghèo đói, đồng thời gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương, khiến nhiều người trở thành nạn nhân bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, lạm dụng.
Đặc biệt, đại dịch đã gây ra “những tác hại đáng lo ngại về vấn nạn buôn người” khi những kẻ buôn người lợi dụng khủng hoảng dịch COVID-19 để lôi kéo, lừa đảo những người gặp khó khăn về kinh tế đi tìm "miền đất hứa". Tháng 7 vừa qua, cảnh sát 5 nước châu Âu đã triệt phá mạng lưới tội phạm chuyên buôn bán người di cư, đưa trái phép khoảng 10.000 người đến châu Âu trong hơn 1 năm. Cũng tháng 7, nhà chức trách Brazil đã giải cứu được 337 lao động nô lệ từ các đồn điền cà phê và các trang trại gia súc.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, tình hình tội phạm mua bán người ngày phức tạp, tinh vi, với nhiều hình thức như tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao, xuất khẩu lao động với chi phí thấp… nhưng để lừa bán, ép buộc, cưỡng bức lao động. Theo báo cáo của Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), châu Á- Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mekong, đã trở thành "điểm nóng" về tình trạng buôn bán người. Số nạn nhân bị mua bán ở khu vực này là khoảng 11,7 triệu người, trong đó 55% là phụ nữ, trẻ em gái.
Theo nhật báo The Age (Australia), tại các cơ sở ở một số nước Đông Nam Á, nhiều người hiện đang bị “mắc kẹt” trong điều kiện làm việc và sinh sống nô lệ hiện đại và phải chịu sự đối xử khủng khiếp nếu tìm cách bỏ trốn. Ông Jan Santiago thuộc Tổ chức Chống lừa đảo toàn cầu (GASO) cho biết với doanh thu hàng tỷ USD, những "nhà máy lừa đảo" này đã tạo ra một ngành buôn bán người thứ cấp để cung cấp cho các doanh nghiệp tội phạm sử dụng nhiều lao động, dẫn đến việc tra tấn, cưỡng hiếp và các hoạt động lạm dụng trên quy mô lớn khác. Các trùm lừa đảo điều hành các hoạt động này bóc lột những người lao động ngây thơ đang tìm kiếm một công việc hợp pháp, giam giữ họ bên trong các tổ hợp, buộc họ làm việc hàng ngày từ 8h sáng đến 23h đêm và đánh đập hoặc đe dọa nếu họ không kiếm đủ tiền.
Vụ việc 42 công dân Việt Nam bỏ trốn khỏi sòng bài thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal (Campuchia) bơi qua sông Bình Di (An Giang) để về nước là một ví dụ. Qua lời khai của các nạn nhân và tài liệu chứng cứ thu thập được, bước đầu cơ quan điều tra đã xác định vụ việc này có dấu hiệu của tội phạm mua bán người và tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Những người này khai nhận, do tin vào những lời chào mời hấp dẫn tuyển lao động làm việc tại Campuchia với mức lương từ 700 - 1.000 USD/tháng trên mạng xã hội nên đã vượt biên trái phép sang Campuchia, với công việc hàng ngày là làm game online và lên các trang mạng theo sự chỉ đạo của chủ.
Thậm chí nhiều người bị đưa vào các đường dây thực hiện hành vi lừa đảo, mỗi ngày làm việc 15 giờ, hoặc bị bán vào các sòng bài, bị đánh đập, tra tấn đòi tiền chuộc nếu muốn trở về Việt Nam. Nhóm người này còn khai bị hành hung, đánh đập dã man khi họ không hoàn thành công việc. Liên quan tới vụ việc, cơ quan điều tra đã phát hiện 4 đường dây có dấu hiệu tội phạm mua bán người xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Từ năm 1998, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) đã chọn ngày 23/8 hàng năm là Ngày quốc tế về buôn bán nô lệ để thúc đẩy việc xóa bỏ mọi hình thức bóc lột nô lệ thời hiện đại. Nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại có thể là bất kỳ ai, ở bất cứ lứa tuổi, giới tính, quốc tịch và sắc tộc nào. Việc chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại sẽ đòi hỏi những phản ứng tổng hợp, phù hợp với từng môi trường cụ thể, mà trước hết tập trung vào xóa đói giảm nghèo, giải quyết thất nghiệp, bạo hành, phân biệt đối xử, bị gạt ra bên lề xã hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác giữa các chính phủ và với các tổ chức quốc tế và khu vực liên quan trong các lĩnh vực như thực thi pháp luật lao động, thực thi pháp luật hình sự và quản lý di cư nhằm ngăn chặn nạn buôn người và giải quyết tình trạng lao động cưỡng bức qua biên giới.
Đặc biệt, công tác phòng chống nạn buôn người đang được các nước đẩy mạnh. Năm ngoái, lực lượng chức năng châu Âu đã phát hiện và ngăn chặn hơn 900 vụ buôn người. Mỹ đã ra mắt lực lượng đặc nhiệm chống buôn người, đồng thời phối hợp với Mexico và các nước Trung Mỹ thành lập nhóm phản ứng nhanh chống buôn người. Tại Đông Nam Á, đầu tháng 8 này, Indonesia và Campuchia đã thảo luận việc hợp tác ngăn chặn nạn buôn người, như điều tra chung, hỗ trợ pháp lý lẫn nhau, thiết lập đội phản ứng nhanh và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa lực lượng cảnh sát hai nước về việc xử lý các vụ mua bán người.
Mới nhất, Bộ Nội vụ Campuchia đã mở chiến dịch truy quét, tăng cường tuần tra, kiểm soát để đối phó với tình trạng buôn người và những băng nhóm tội phạm lừa gạt người nước ngoài tới quốc gia này lao động trái phép. Việt Nam cũng đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này trên cơ sở triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời đang xây dựng hồ sơ gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Từ ngăn chặn tội phạm mua bán người qua biên giới tới xóa bỏ chế độ nô lệ thời hiện đại, có thể nói, đây là cuộc chiến cam go đòi hỏi sự chung tay phối hợp và đổi mới hành động trên phạm vi toàn cầu.