Đã gần hai tuần nay, bên trong căn nhà số 60/1B tổ 12, khu phố 2, thị trấn Hóc Môn, TP.HCM chuẩn bị rao bán của ông Ngâu “vé số” và bà Lan “đồ si”, không còn ai ngồi vào chiếc bàn học cũ kĩ ấy nên bụi đã phủ kín một lớp, nơi đó, sách vở vẫn được xếp ngăn nắp, gọn gàng, bên ngoài đề tên: Nguyễn Hoàng Duy Khang, lớp 11B03, trường THPT Nguyễn Hữu Cầu.
Hai giờ chiều, dưới cái nắng như thiêu đốt, ông Nguyễn Văn Hiền (63 tuổi, tên thường gọi là ông Ngâu) vừa từ nhà người quen vay tiền về, không kịp ăn bữa trưa vì còn phải lên đại lí lấy vé số cũ đem trả để lấy vé số mới về giao cho kịp giờ, ông vừa xếp vội vài bộ quần áo và vật dụng cần thiết, gói lại trong chiếc túi ni lông đem lên bệnh viện cho cháu nội và vợ của mình.
Còn bà Hoàng Thị Liễu (59 tuổi, bà nội cháu Khang, người dân vẫn thường quen gọi là bà Lan bán đồ si đa dạo) suốt nửa tháng nay không lúc nào thôi túc trực bên giường bệnh của cháu trai.
Sau khi tiếp đoàn học sinh, giáo viên, phụ huynh của trường lên thăm Khang xong, bà gửi Khang lại cho ông nội, còn mình xuống căng tin mua cơm cho cháu và xin cơm từ thiện cho ông bà. Chưa đi hết dãy hành lang bệnh viện, bà đột ngột khụyu lại, bám vào thành ghế ngồi xuống. Hỏi ra mới biết, từ sáng đến giờ bà uống thuốc huyết áp mà chưa ăn gì vào bụng, chỉ uống một ít sữa đậu nành và nước lọc.
Cách đây một năm, bà cũng từng trải qua những ngày tháng hoảng loạn như này khi chữa trị căn bệnh trầm cảm nặng cho Khang. Những tưởng bệnh hết, bà cháu có thể nắm tay nhau để sống cuộc sống yên ả, thì nay tai ương lại một lần nữa đổ ập đến với gia đình nhỏ bé này.
Theo lời của bà Liễu, Khang mồ côi cha từ lúc lên năm tuổi, mẹ bước thêm bước nữa. Từ đó, em sống cùng ông bà nội. Do di chứng để lại khi từng tham gia thanh niên xung phong trên chiến trường Campuchia, ông nội Khang không còn đủ sức làm công việc nặng nhọc, kinh tế hầu như trông chờ vào chiếc xe đẩy bán quần áo dạo của bà và từng xấp vé số ông đi giao hằng ngày từ thị trấn Hóc Môn lên Quận 1 (đường Sương Nguyệt Ánh).
Mỗi tháng cộng tất cả số tiền ông bà làm được cùng với trợ cấp của nhà nước, tuy không dư giả, nhưng cũng đủ để Khang không phải thất học.
Không phụ lòng ông bà, Khang học rất giỏi. Năm lớp 10 em thi đậu vào trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TP.HCM) và theo học lớp chuyên Anh đến nay.
Trao đổi với cô Phạm Nữ Thủy Hằng (giáo viên chủ nhiệm của Khang), Khang vốn là một học sinh hiếu học, một tổ trưởng đầy nhiệt huyết, rất hòa đồng với các bạn trong lớp, đặc biệt có năng khiếu về nhảy múa.
Tuy nhiên, từ học kì hai của lớp 10, từ một cậu bé năng động, Khang bắt đầu có dấu hiệu bất thường về tâm lí, em trở nên ít giao tiếp với bạn bè hơn, thay vào đó thường hay nói chuyện một mình. Đỉnh điểm một lần ở trường, em có ý định bắt ghế nhảy xuống lầu tự tử, rất may thầy cô, bạn bè kịp thời phát hiện.
Suốt thời gian đó, sau khi tìm hiểu nguyên nhân, nhà trường cùng gia đình đã phải nỗ lực phối hợp để em cảm nhận được tuy thiếu vắng tình cảm cha mẹ, nhưng bên cạnh em vẫn còn rất nhiều người quan tâm. Đến hết lớp 10, bệnh trầm cảm của Khang được chữa khỏi. Thế nhưng, đầu học kì hai năm lớp 11, tình trạng sức khỏe của em lại có dấu hiệu không tốt, Khang thường xuyên mệt mỏi và ngủ gục trong lớp, dù em đã không còn dùng thuốc an thần để chữa trị trầm cảm.
Bà nội Khang cho biết, trước khi phát bệnh, em vẫn sinh hoạt bình thường, thậm chí rất năng động, em vừa học văn hóa ở trường, vừa học nhảy và tập luyện thể thao tại nhà văn hóa. Có khi em còn dạy nhảy cho các em nhỏ cho thỏa đam mê, vừa phụ giúp ông bà phần nào.
Cho đến thời gian gần đây, trong một đêm khi đang ngủ, Khang bỗng ôm người quằn quại, đau nhức đến vật vã. Sau khi được gia đình chuyển lên tuyến trên tại Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM, Khang được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Bạch cầu mạn dòng tủy (một dạng ung thư máu mãn tính) do suy giảm hệ tĩnh mạch.
Hiện tại, Khang đã được tiến hành lọc máu, tình trạng sức khỏe ổn định hơn so với khi vừa nhập viện. Ban ngày em khá tỉnh táo, nhưng đến đêm, cơn đau nhức lại hành hạ. Để đảm bảo sức khỏe và tính mạng, Khang cần được chữa trị và dùng thuốc lâu dài. Ngoài việc đang lọc máu tại bệnh viện, em phải Bệnh viện Bình Dân để xét nghiệm và tiến hành điều trị biến chứng. Chi phí cho mỗi lần chạy chữa là quá cao so với hoàn cảnh gia đình.
Vừa lau những giọt nước mắt, bà Liễu vừa nói tiếp: “Bệnh tật vậy mà vừa nãy cô giáo lên thăm, nó còn xin với cô cho nó thi trước môn Sinh với Toán kẻo không theo kịp bạn bè. Nếu có một điều ước, bà ước được một lần nữa nhìn thấy cháu mình khỏe mạnh, đứng trên sân khấu trường để nhảy. Những lúc khỏe trong người, nó còn véo má bà rồi hứa khi hết bệnh, sẽ nhảy cho ông bà xem, sẽ học thật giỏi để đi dạy tiếng Anh".
Ước mơ của Khang là cho ông bà ăn những món ngon nhất, không để ông bà phải ăn cơm từ thiện. "Làm sao cho thằng Khang sống tiếp với bà vài năm nữa, thì dù nó có làm sao, ông bà vẫn có thể cõng nó đến hết cuộc đời…”, bà nội Khang nghẹn ngào.
Nhìn cậu học trò 17 tuổi đầy ắp niềm hoài bão đang bị cơn bạo bệnh dằn vặt, chúng tôi tự hỏi liệu ước mơ của em còn có thể tiếp tục? Rất mong quý độc giả, các mạnh thường quân cùng dang rộng vòng tay, tiếp thêm sức mạnh cho em và gia đình.
Mọi đóng góp quý bạn đọc vui lòng liên hệ: Ông bà nội của Khang. Địa chỉ: Nhà số 60/1B tổ 12, khu phố 2, thị trấn Hóc Môn, TP.HCM. Số tài khoản: 060177516573, ngân hàng Sacombank chi nhánh Hóc Môn, ông Nguyễn Văn Hiền (ông nội Khang).
Hoặc: Phòng y tế trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (số 09, đường Tô Ký ấp Mỹ Huề, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn).
Ngoài ra quý vị có thể chuyển khoản đến số tài khoản Nguyễn Văn Hiền (ông nội Khang): 060177516573, ngân hàng Sacombank chi nhánh Hóc Môn.