Tất những nỗ lực về quản lý rác thải nhựa nói riêng và phát triển bền vững nói chung từ Unilever Việt Nam một lần nữa được công nhận với Giải thưởng CSR Awards từ Saigon Times Groups.
Diễn đàn mang tầm vóc khu vực
Hội nghị bàn tròn Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 16 được tổ chức bởi APRSCP và Thai SCP Association và các đối tác trong khu vực.
Chương trình lần này hướng đến ba mục tiêu chính xoay quanh việc thúc đẩy các phương pháp, chương trình và sáng kiến nổi bật, các bài học kinh nghiệm liên quan đến Tiêu dùng và Sản xuất Bền Vững, Kinh tế Tuần hoàn và Phi Phát thải tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, từ đó xác định và xây dựng các phương thức hợp tác nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và tổ chức, đồng thời tăng cường thảo luận và chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong việc mở rộng quy mô các công nghệ, chiến lược, công cụ và phương pháp.
Tại diễn đàn, Unilever Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình Hợp tác Công – Tư nhằm thúc đẩy thực hiện Kinh tế Tuần hoàn trong Quản lý Rác thải Nhựa tại Việt Nam.
Đây là chương trình hợp tác mà doanh nghiệp đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng hai đối tác Dow Việt Nam và SCG Việt Nam khởi xướng và thúc đẩy trong 3 năm qua nhằm chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, đặc biệt là rác thải nhựa giá trị thấp và khó tái chế.
Là một thành viên sáng lập của nhóm Hợp tác Công – Tư tại Việt Nam, Unilever luôn tiên phong và chủ động thúc đẩy mô hình Kinh tế Tuần hoàn thông qua đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống phân loại rác tại nguồn và thu gom, xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì bán ra ngoài thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp còn nỗ lực không ngừng nghỉ để giảm một nửa lượng nhựa nguyên sinh và tăng cường nhựa tái chế trong bao bì sản phẩm; cũng như đảm bảo tất cả bao bì đều có khả năng tái chế.
Đến nay, Unilever Việt Nam đã đóng góp vào thành quả của nhóm Hợp tác Công – Tư với hơn 17.000 tấn rác thải nhựa đã được thu gom, xử lý và tái chế, đạt 77% bao bì có khả năng tái chế, cũng như giảm 55% nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái sinh.
Khẳng định vị trí dẫn đầu trong nước
Tiếp nối những nỗ lực và thành quả trong Kinh tế Tuần hoàn về Quản lý Rác thải Nhựa tại Việt Nam, Unilever vừa tham gia chia sẻ tại phiên thảo luận “Thiết kế cho nền Kinh tế Tuần hoàn – Làm thế nào để chúng ta tạo ra sản phẩm tuần hoàn” tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Nếu thông thường mô hình Kinh tế Tuần hoàn sẽ được “mổ xẻ” dưới lăng kính của doanh nghiệp, thì tại phiên thảo luận này, Unilever Việt Nam đã mang đến góc nhìn mới mẻ khi chia sẻ về những lợi ích mà mô hình này sẽ mang lại cho người tiêu dùng.
Doanh nghiệp nhận định, người tiêu dùng ngày nay có xu hướng ủng hộ những doanh nghiệp và thương hiệu có những sứ mệnh phù hợp với mục đích sống của họ. Và những sáng kiến “xanh” là một trong những mối quan tâm lớn của người tiêu dùng ngày nay bởi bảo vệ môi trường nói chung chính là bảo vệ môi trường sống và cải thiện sức khỏe cho chính người tiêu dùng và gia đình của họ.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể tiết kiệm chi phí khi cần chi trả ít hơn cho các sản phẩm bởi Kinh tế Tuần hoàn tập trung vào việc tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, kéo dài vòng đời sử dụng của nguyên vật liệu, giảm thiểu chi phí từ quản lý chất thải. Cơ hội việc làm cũng là một lợi ích khác mà nền Kinh tế Tuần hoàn mang lại khi việc thúc đẩy mô hình này đòi hỏi sự ra đời của nhiều ngành nghề mới, điển hình như ở các lĩnh vực tái chế, tái sản xuất và sửa chữa.
Bên cạnh những lợi ích mà Kinh tế Tuần hoàn sẽ mang lại dưới góc nhìn của người tiêu dùng, Unilever Việt Nam cũng chia sẻ về những yếu tố hỗ trợ cần thiết để thúc đẩy và nhân rộng mô hình Kinh tế Tuần hoàn.
Có thể kể đến việc khung chính sách và hành lang pháp lý cần được triển khai song song với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thúc đẩy Kinh tế Tuần hoàn. Ngoài ra, sự hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp là nền tảng để xây dựng hệ sinh thái cho Kinh tế Tuần hoàn – một vòng tuần hoàn khép kín.
Tiếp đến, nguồn nguyên liệu bền vững là yếu tố to lớn để thúc đẩy nền Kinh tế Tuần hoàn Nhựa. Sự sẵn sàng của cơ sở hạ tầng để thu gom và xử lý chất thải nhựa đóng một vai trò lớn trong vòng tuần hoàn này.
Ngoài ra, nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với việc chấp nhận và dần chuyển đổi sang sử dụng các sản phẩm bền vững từ bao bì đến công thức sản phẩm. Từ đó cần có sự tham gia của toàn cộng đồng để hoàn thành vòng tuần hoàn của nhựa, từ việc tận dụng, tái sử dụng, đến giảm thiểu và tái chế nhựa.
“Unilever Việt Nam đã bền bỉ theo đuổi mô hình Kinh tế Tuần hoàn từ nhiều năm trước. Chúng tôi cam kết đầu tư vào cộng đồng và phối hợp cùng đối tác, từ chính sách đến thực tiễn ứng dụng và liên tục chia sẻ kiến thức, phương thức vận hành với cộng đồng doanh nghiệp và đối tác. Ngoài ra, chúng tôi còn hợp tác để tận dụng thế mạnh của các đối tác kỹ thuật như Dow, SCG đến các nhà tái chế như Duy Tân để tương hỗ nhau khép kín vòng tuần hoàn nhựa. Các nhãn hàng từ Unilever cũng không ngừng đổi mới sáng tạo để thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục thủ đẩy hơn nữa Kinh tế Tuần hoàn với nhiều dự án sáng tạo”, bà Lê Thị Hồng Nhi – Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam chia sẻ.
Một lần nữa ghi nhận cho những nỗ lực lâu bền
Với những nỗ lực không ngừng trong việc thiết lập và thúc đẩy Kinh tế Tuần hoàn, cụ thể đối với việc quản lý rác thải nhựa, Unilever Việt Nam đã được vinh danh tại Giải thưởng CSR Awards 2022 do Saigon Times Group tổ chức.
Giải thưởng năm nay là cơ hội để cùng trân trọng, lưu giữ, ghi danh và tôn vinh các doanh nghiệp có các hoạt động giúp xã hội phát triển bền vững và thịnh vượng.
Bên cạnh những đóng góp cho môi trường thông qua xây dựng mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong Quản lý Rác thải Nhựa, Unilever Việt Nam còn thúc đẩy nhiều chương trình nhằm hướng đến chuỗi giá trị phi phát thải khí nhà kính, cải thiện điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho mọi người, nâng cao quyền năng phụ nữ, cũng như xây dựng môi trường làm việc công bằng, đa dạng và hòa nhập cho nhân viên.
Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam cho biết: “Tầm nhìn của Unilever là trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong kinh doanh bền vững nói riêng và phát triển bền vững nói chung, hiện thực hóa sứ mệnh ‘mang cuộc sống bền vững trở nên phổ biến’ đến hàng triệu gia đình Việt Nam. Giải thưởng CSR từ Saigon Times Group không chỉ là cơ hội để chúng tôi có thể nhìn lại hành trình phát triển bền vững của mình, mà còn là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, truyền cảm hứng cho những tổ chức và doanh nghiệp có cùng chí hướng để cùng nhau tạo nên một sức mạnh tổng hợp, đóng góp vào việc xây dựng và hoàn thiện hơn nữa các giá trị lâu bền cho nền kinh tế, xã hội và môi trường của đất nước.”./.