Trao đổi với báo giới bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện Uber vẫn còn nợ khoản thuế 53,3 tỷ đồng tại Cục Thuế TP.HCM. Tổng cục Thuế và Cục thuế TP.HCM đã nhiều lần có văn bản nhắc nợ, thậm chí có biện pháp mạnh mà Uber vẫn chưa trả.
Liên quan tới khoản thuế 53,3 tỷ đồng này, sáng 4/4, ông Đặng Duy Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, nghĩa vụ thuế này sẽ thực hiện theo Luật Dân sự.
Ông Khanh đặt vấn đề: "Nếu khi Uber bán cho Grab mà có thoả thuận Grab phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ về thuế luôn thì Grab sẽ phải nộp thay Uber. Còn nếu không có thoả thuận thì lại khác. Tuy nhiên, ở đây, cần phải xem xét lại các điều khoản trong hợp đồng thoả thuận giữa Uber.
"Ở đây mình vẫn phải "nắm thằng có tóc" là Grab thôi bởi nghĩa vụ thuế với Nhà nước thì kiểu gì cũng phải thực hiện".
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, các nghĩa vụ của các doanh nghiệp mà sáp nhập thì các doanh nghiệp mới phải thừa kế, lãnh trách nhiệm đó. Có nghĩa, Grab phải có trách nhiệm trả khoản nợ đó thay Uber.
Còn theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý chưa được thông báo chính thức bằng văn bản về việc sáp nhập. "Hiện nay các doanh nghiệp mới có thông báo trên mạng, thông báo cho các lái xe của Grab, Uber việc sáp nhập sẽ áp dụng từ ngày 8/4", ông Hải nói.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Uber là nhà thầu nước ngoài nên mức thuế được áp dụng có thể sẽ là mức khoán 5% thuế thu nhập doanh nghiệp và 5% thuế giá trị gia tăng.
"Dù hoạt động chuyển nhượng diễn ra bên ngoài Việt Nam và Uber cũng không có tư cách pháp nhân ở Việt Nam nhưng cơ quan thuế chắc chắn sẽ phải thu được thuế của thương vụ này", ông Đặng Duy Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế khẳng định.