Uber xuất hiện lần đầu vào tháng 6/2014 ở TP.HCM và đến tháng 11, dịch vụ này đã có mặt tại Hà Nội.
Theo thống kê từ Uber, sau gần 4 năm hoạt động tại Việt Nam, tổng quãng đường đã di chuyển thông qua ứng dụng này là 322 triệu km. Tính đến nay, Uber có khoảng hơn 40.000 xe.
Ngày 26/3/2018, Grab cho biết toàn bộ hoạt động của Uber tại thị trường Đông Nam Á sẽ chính thức về tay Grab.
Như vậy có thể thấy Uber tại Việt Nam đã hoàn thành việc dừng hoạt động. Một số nguồn tin cho biết, việc thanh toán tiền cho lái xe vẫn sẽ được tiếp tục hoàn thiện.
Điểm mạnh của Uber so với loại hình taxi truyền thống là khách hàng được biết trước chiếc xe sẽ tới đón mình với thông tin về lái xe, biển số, loại xe. Khách hàng cũng rất ấn tượng với chất lượng xe ban đầu chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp đến cao cấp, khách hàng mới được khuyến mại nhiều, giá rẻ và không cần trả tiền mặt cho lái xe.
Nhưng tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến hơn nên đối thủ của Uber khi đó là Grab với việc chấp nhận tiền mặt, có cả “xe ôm” đã dần vượt lên trên thị trường.
Trước khi bán toàn bộ hoạt động của mình tại Đông Nam Á cho Grab, Uber đã phải rút khỏi thị trường Trung Quốc và bán hoạt động cho đối thủ là Didi.
Tới ngày 26/3/2018, Grab phát đi thông báo cho biết đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á và cho biết Uber sẽ chỉ hoạt động tiếp trong 2 tuần.
Chiều ngày 8/4, hàng loạt lái xe Uber đã tắt ứng dụng của mình, mặc đồng phục và tập trung tại văn phòng Uber tại Hà Nội, và TP. Hồ Chí Minh. Các lái xe cho biết họ có mặt tại đây để: “chào tạm biệt Uber sau một thời gian dài gắn bó”.
Trong khi từ phía khách hàng, nhiều người đã lên mạng xã hội bày tỏ sự nuối tiếc của mình với một dịch vụ họ cho rằng có chất lượng tốt hơn trên thị trường.
Nhiều lái xe lúc này đã chuyển sang lái xe cho Grab, tuy nhiên nhiều lái xe cho biết họ đã cài một số dịch vụ tương tự của Việt Nam và đã đăng ký hoạt động.