Tuyến sông Hồng, sông Đà là tuyến giao thông vận tải đường thủy huyết mạch của miền Bắc, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn. Dọc tuyến sông có nhiều phương tiện làm nghề chài lưới trên sông đã hình thành nhiều bến phà, bến đò cùng nhiều làng chài. Việc tiếp cận và hiểu biết về pháp luật của bà con còn khá hạn chế.
Vì vậy, cùng với hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Cảnh sát giao thông đường thủy đã dành tặng người dân sinh sống dọc sông Hồng, sông Đà và các tuyến sông chính hàng nghìn chiếc áo phao, cùng nhiều món quà có ý nghĩa.
Trung tá Hà Trọng Hoan, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, điều kiện người sinh sống trên sông nước nay đây mai đó nên việc nắm bắt thông tin về pháp luật và tuân thủ pháp luật rất sơ sài. Bên cạnh việc tuần tra bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến sông Hồng, sông Đà qua Hà Nội, đơn vị đã chủ động các hoạt động tặng quà gồm áo phao, sách vở, nhu yếu phẩm để bà con ổn định cuộc sống.
Còn Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông) cho biết, đơn vị đã thành lập các tổ công tác, thường xuyên tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền và xử lý nghiêm các phương tiện cố tình vi phạm quy định an toàn giao thông đường thủy. Cùng với việc bảo đảm tuyệt đối an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, các bến thủy nội địa còn phải tuân thủ các quy định an toàn giao thông đã được phổ biến.
Ghi nhận, trong các ngày qua, tại các bến đò Chu Minh - Minh Châu, Chu Phan - Thọ An, Liên Trung… dọc địa bàn các huyện Đan Phượng, Ba Vì, Mê Linh, Đông Anh, thị xã Sơn Tây, và hơn 10 bến đò ngang thuộc hai huyện Thường Tín, Phú Xuyên, người dân qua lại hai bên bờ sông Hồng nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc hằng ngày khá đông. Tại đầu các bến đò, cảnh sát giao thông đường thủy luôn giám sát việc mặc áo phao, tuân thủ việc chở người và phương tiện đúng quy định.
Tại các làng chài ven sông Tân Dân, bến đò Văn Nhân, Văn Đức, bến Dấp, bến vườn chuối, Ngọc Thụy, Thanh Trì…, các tổ công tác còn trực tiếp vận động, tuyên truyền cho người dân về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm có thể nảy sinh do đặc điểm địa hình, hướng dẫn người dân một số phương pháp phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi phạm pháp, tích cực tham gia xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc...
Ông Trần Việt Hoa ở làng chài ven sông thuộc huyện Đan Phượng cho biết, người dân đều đã nắm được những quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thuỷ, thành thục các kỹ năng tự bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng khi tham giao giao thông và sản xuất trên sông. Đời sống của bà con cũng được quan tâm khi được tặng nhiều nhu yếu phẩm, trẻ em được tạo điều kiện đến lớp như những bạn bè cùng trang lứa...
Phòng Cảnh sát giao thông đã tổ chức ký cam kết đến 100% thành viên trong làng chài không vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy. Người dân làng chài cũng nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên các tuyến sông. Hằng ngày, người dân đã phát hiện, cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến giao thông thủy, đồng thời, bảo vệ an toàn hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn sinh sống...