Thế nhưng, Giáo sư Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, với đề thi, điểm thi tốt nghiệp như hiện nay, nhiều trường đại học, nhất là các đại học lớn, uy tín chỉ sử dụng một tỷ lệ nhất định chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả kỳ thi này, nên điểm trúng tuyển cao là điều tất yếu: "Chúng tôi cũng băn khoăn về chất lượng đầu vào. Mặc dù điểm cao như thế nhưng chất lượng có đáp ứng hay không? Chúng tôi rất là suy nghĩ và chúng tôi cho rằng là có những yếu tố, có những căn cứ để thấy rằng điểm thi trung học phổ thông là dễ, cho nên kết quả đầu vào phải có sự cân nhắc".
Từ bức tranh tuyển sinh năm nay, các chuyên gia và lãnh đạo các trường đều cho rằng, điểm chuẩn trúng tuyển cao không đồng nghĩa với chất lượng thí sinh năm nay cao hơn năm trước, bởi điểm chuẩn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo phân tích của TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, ở góc độ giáo dục, điểm xoay quanh mốc 9 là như nhau. Tuy nhiên, đã có những trường lấy điểm chuẩn gần kịch sàn, không phải chỉ 29 hay 29,5 điểm mà phải lên tới 29,9 điểm mới trúng tuyển - thực chất là để không vượt chỉ tiêu.
"Về mặt nguyên tắc, các trường tuyển sinh thì thường sẽ kết hợp hai yếu tố. Một là chỉ tiêu và thứ hai là chất lượng đầu vào. Chính các trường sẽ quyết định là phối hợp hai cái này là như thế nào? Thông thường hiện nay các trường làm theo kiểu đơn giản nhất và có lẽ Bộ cũng như vậy- quản lý theo chỉ tiêu, mà theo chỉ tiêu thì cứ lấy từ trên xuống dưới, đủ thì dừng. Khi lấy đủ mà dừng, điểm của nó có thể nó rất thấp nếu ít người vào và điểm có thể rất cao nếu chỉ tiêu ít", TS Tùng nói.
Cùng với vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh, Phó Giáo sư Trần Văn Tớp, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, năm nay các trường đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, dẫn đến chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp cho mỗi ngành lại càng ít: "Một số ngành tuyển rất ít, rồi lại có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, rồi điểm ưu tiên nữa dẫn đến thậm chí 30 điểm mới đỗ. Tôi cho rằng là dưới góc độ về về tuyển sinh thì mấy năm gần đây các trường đại học cũng đang cố gắng đi theo hướng là tự chủ trong tuyển sinh. Nhưng quả thật năm 2022 này, quá nhiều phương thức tuyển sinh, từ tổ hợp, rồi cách thức, nhưng một xu hướng là các trường top trên thì đang cố gắng xây dựng cho mình những phương án tuyển sinh theo hướng tự chủ như của Bách khoa Hà Nội chẳng hạn".
Xu hướng các trường đại học tuyển sinh bằng kỳ thi riêng, không còn phụ thuộc 100% vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đang ngày càng được mở rộng cũng cho thấy, định hướng xây dựng các kỳ thi riêng để tuyển sinh đang đúng hướng. Theo Phó Giáo sư Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, mỗi kỳ thi đều có những tiêu chí riêng. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, đánh giá học sinh sau 12 năm học thực sự không phải là phương án tối ưu để các trường đại học sử dụng kết quả khi xét tuyển.
"Bởi vì việc sử dụng kết quả thi trung học phổ thông để xét tuyển đại học đã là một phương án mà cũng không phải là phương án thích hợp nhất rồi. Do đó, việc khi sử dụng một phương án mà không phải là thiết kế hoàn toàn cho việc này, thì kết quả nó dẫn đến có một số ngành điểm cao như thế cũng không phải là lạ. Về lâu dài, việc xét tuyển đại học của các trường thì dần dần sẽ có những phương án riêng, không phải sử dụng kết quả này nữa, đó sẽ là tất yếu. Những trường top cao, ngành hot thì người ta sẽ có phương án xét tuyển phù hợp hơn", Phó Giáo sư Phạm Xuân Anh nhận định.
Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, việc xét tuyển đại học bằng các phương án tuyển sinh khác, không phụ thuộc vào điểm số của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là xu hướng cần thiết. Tuy nhiên, để việc tuyển sinh của các trường không quay trở lại tình trạng mỗi trường tổ chức một kỳ thi như trước đây thì ngành Giáo dục và Đào tạo nên đẩy mạnh xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập, tổ chức thi nhiều đợt trong năm để các trường có thể sử dụng kết quả của kỳ thi này khi xét tuyển./.
Theo VOV