Tuyển sinh đại học 2023: ‘Nở rộ’ nhiều ngành học mới

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Nhằm chủ động nguồn tuyển sinh cho năm học 2023, bên cạnh việc công bố kế hoạch tuyển sinh sớm, nhiều trường đại học còn thông báo dự kiến mở thêm các ngành học mới nhằm thu hút thí sinh.

Nhiều trường mở ngành mới

Việc các trường đại học mở ngành học mới trong năm học này thực ra đã được dự báo trước. Bởi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định.

Năm 2023, Trường ĐH Thủy lợi định tuyển sinh 39 ngành và chương trình, tổng chỉ tiêu 5.500, trong đó hai ngành mới là Ngôn ngữ Hàn, Trung. Theo TS. Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi cho biết, hai ngành Ngôn ngữ Hàn, Trung dự kiến đào tạo từ năm 2023, chỉ tiêu mỗi ngành là 50. "Trường ĐH Thủy lợi đã nghiên cứu và thấy trong 5-20 năm tới, nhu cầu giao lưu văn hóa, hợp tác ngày càng cao nên quyết định đầu tư mở ngành nhằm trang bị cho sinh viên thêm kỹ năng hữu ích để hội nhập".

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) vừa công bố quyết định thành lập khoa Y dược cổ truyền, nâng số lượng khoa thuộc trường lên 8 khoa. Theo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khoa này sẽ đào tạo trình độ ĐH, sau ĐH, các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyên ngành. Khoa dự kiến tuyển sinh từ năm học 2023-2024, trước mắt là đào tạo bác sĩ Y dược cổ truyền.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ năm 2020 đến 30/7/2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới.Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ năm 2020 đến 30/7/2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới.

Theo ThS. Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, trường dự kiến vẫn 4 phương án xét tuyển: xét học bạ THPT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường, xét tuyển bằng điểm đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM. Năm 2023, trường dự kiến tăng chỉ tiêu của xét tuyển bằng điểm đánh giá năng lực (khoảng từ 15% - 20%) và giảm của xét tuyển bằng học bạ THPT (khoảng 30%).

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM dự kiến mở mới 5 ngành như Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Luật, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử.

Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng cho biết năm 2023 trường dự kiến tuyển 2.500 chỉ tiêu cho 23 ngành ĐH chính quy, tám ngành thạc sĩ, hai ngành tiến sĩ và hai ngành chuyên khoa 1 (dược lý và dược lâm sàng, tổ chức quản lý dược). Ngoài ra, trường đang làm hồ sơ để mở hai ngành học mới gồm truyền thông đa phương tiện và kinh doanh quốc tế. Mỗi ngành trường dự kiến tuyển sinh 50 chỉ tiêu.

Năm 2022, Trường ĐH Kiên Giang tuyển sinh 20 ngành học với 2 ngành mới đó là Giáo dục tiểu học và Công nghệ kỹ thuật ô tô. Năm 2023, dự kiến trường mở thêm ngành Kinh doanh quốc tế, Bảo vệ thực vật. Tổng chỉ tiêu dự kiến năm 2023 là 1.675 chỉ tiêu.

Trường ĐH An Giang đã công bố quyết định mở và xét tuyển sinh ngành đào tạo trình độ ĐH hình thức đào tạo chính quy mới - ngành Thú y nhằm đào tạo bác sĩ Thú y cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tay nghề thành thạo, có sức khỏe tốt, yêu nghề nghiệp; có khả năng tiếp tục học tập, tham gia học tập ở các bậc học cao hơn trong và ngoài nước.

"Việc mở các ngành mới là điều tốt nếu các ngành nghề đó đáp ứng nhu cầu xã hội"

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường ĐH được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, từ năm 2020 đến 30/7/2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới, trong đó có 413 ngành do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở, 149 ngành do Bộ GDĐT mở.

TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, việc mở các ngành nghề mới là điều tốt nếu các ngành nghề đó đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như năng lực đào tạo của các nhà trường.

"Các trường khi muốn mở ngành mới mà trước đây chưa có cần xuất phát từ nhu cầu thực tế và phải thực hiện theo quy trình, cần có sự tính toán, khảo sát, điều tra nhất định về cơ hội việc làm cũng như xu thế, khảo sát các doanh nghiệp hoặc tổ chức sử dụng lao động để biết nhu cầu lao động. Từ đó, chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, phát triển các chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng của nguồn nhân lực".

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng lo ngại khi nhiều năm trở lại đây tình trạng các trường ồ ạt mở ngành mới, ngành "hot" để thu hút thí sinh. "Thực trạng hiện nay, một số trường vì muốn thu hút nhiều sinh viên đã mở thêm nhiều ngành mới với tên gọi hấp dẫn nhưng thực chất là "bình mới rượu cũ". Điều này ảnh hưởng và gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cũng như công tác tuyển sinh các ngành đào tạo truyền thống".

Theo TS. Lê Viết Khuyến, mỗi trường ĐH có một số ngành học có thế mạnh nhất định. Việc mở ra quá nhiều ngành mới có thể dẫn đến tình trạng, một số ngành không đủ sinh viên để tổ chức lớp học. Sự đa dạng hóa quá nhiều ngành học mới có thể gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh. Và nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Năm 2023: Sẽ loại bỏ phương thức xét tuyển kém hiệu quả

Tại cuộc họp giao ban quý IV về công tác tuyển sinh và đào tạo khối ĐH, cao đẳng sư phạm cuối tháng 11 vừa qua, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở đào tạo hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023 để sớm công bố đến thí sinh. Bộ GD&ĐT cũng sẽ hướng dẫn các trường rà soát, loại bỏ phương thức không phù hợp, không hiệu quả, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Theo Sức khỏe Đời sống