Từ vụ nữ sinh lớp 7 tự sinh con đến nỗi lo giáo dục giới tính cho trẻ

Nguyễn Diệp Linh
Chuyên gia cho rằng, hiện nay, chương trình về giáo dục giới tính trong các trường học vẫn còn rất mỏng, nhưng đáng ngại hơn là nhiều phụ huynh vẫn trực tiếp can thiệp, phản ứng về chương trình giáo dục giới tính cho trẻ tại nhà trường.

Những ngày gần đây dư luận không khỏi hoang mang trước sự việc cháu T.T.M.C học sinh lớp 7 tại Bắc Giang tự sinh con trong nhà tắm. Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang cũng đã bắt khẩn cấp N.V.M (SN 2006, trú tại thị trấn An Châu, huyện Sơn Động, Bắc Giang ) – bạn trai cháu C. về hành vi “hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Quá trình điều tra xác định, đối tượng N.V.M và cháu T.T.M.C có quan hệ tình cảm yêu đương. Khoảng tháng 6/2022, đối tượng M. có hành vi quan hệ tình dục với cháu T.T.M.C, dẫn đến mang thai và sinh con vào ngày 11/2/2023.

Vụ việc này khiến nhiều người giật mình nhìn lại vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em độ tuổi học đường thời gian qua. TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục đã có chia sẻ với VOV.VN về nội dung này.

tu vu nu sinh lop 7 tu sinh con den noi lo giao duc gioi tinh cho tre hinh anh 1

TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục

PV: Là một chuyên gia giáo dục và rất tâm huyết với công tác giáo dục giới tính cho trẻ em nhiều năm qua, bà có chia sẻ gì nghe câu chuyện về bé gái 12 tuổi đã trở thành mẹ bất đắc dĩ, thậm chí tự sinh con trong khi gia đình không hề hay biết?

TS Vũ Thu Hương: Với vai trò là người làm giáo dục giới tính từ năm 2008 đến nay và đã kêu gọi rất nhiều chương trình về giáo dục giới tính cho trẻ, tôi cảm thấy vô cùng buồn và bức xúc trước sự vô trách nhiệm từ những người lớn trong gia đình của cháu bé. Tôi thực sự khó hiểu và tự hỏi rằng liệu bố mẹ có thực sự quan tâm đến con hay không? Bởi khi một người có bầu sẽ thay đổi rõ rệt về ngoại hình, tâm sinh lý, điều này không diễn ra trong 1, 2 ngày mà là 9 tháng 10 ngày, nhưng bố mẹ lại không hay biết. Trong câu chuyện này, tôi cho rằng, lỗi không phải tại trẻ, mà thuộc về những người lớn xung quanh trẻ.

Không ít bố mẹ hàng ngày chỉ quan tâm tới vấn đề học hành, ăn uống của con, nhưng lại rất thờ ơ với vấn đề giáo dục giới tính, tâm sinh lý. Nhiều người cho rằng, các con sẽ tự biết khi lớn và yêu cầu các con hiểu biết đúng đắn về vấn đề đó. Điều này khiến không ít trẻ rơi vào tình trạng hoang mang vì thiếu kiến thức. Một bộ phận phụ huynh khác lại cho rằng, giáo dục giới tính là “vẽ đường cho hươu chạy”, là dụ dỗ các con làm điều xấu.

PV: Từ những sự việc đáng tiếc này, phải chăng công tác giáo dục giới tính cho trẻ tại gia đình và nhà trường hiện nay vẫn còn những lỗ hổng, thưa bà?

TS Vũ Thu Hương: Hiện nay, chương trình về giáo dục giới tính trong các trường học vẫn còn rất mỏng, nhưng đáng ngại hơn là nhiều phụ huynh vẫn trực tiếp can thiệp, phản ứng về chương trình giáo dục giới tính cho trẻ tại nhà trường.

Việc đưa chương trình giáo dục giới tính vào các trường cũng rất vất vả. Nhiều trường mời chuyên gia đến dạy nhưng lại vấp phải sự phản đối từ phụ huynh, thậm chí giáo viên phải đi thuyết phục từng phụ huynh cho con em tham gia.

Đến khi giảng dạy, chính phụ huynh lại là người can thiệp vào chương trình, đồng ý dạy nội dung này, yêu cầu bỏ nội dung kia.

Tại một số trường, khi biết các con học về giới tính, sức khỏe sinh sản, đã có phụ huynh phản ứng rất dữ dội. Trong khi đó, từ năm 2008 đến nay, khi giảng dạy hàng chục nghìn học sinh về vấn đề giới tính, thì hầu hết các em đều không hề biết việc quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi sẽ bị đi tù.

Bên cạnh đó, nhiều người khi nói đến giáo dục giới tính vẫn cảm thấy khá nhạy cảm và giáo viên cũng chưa thể sẵn sàng khi cả xã hội vẫn chưa có sự cởi mở, nhìn nhận đúng đắn về giáo dục giới tính. Qua quá trình làm việc, chúng tôi nhận thấy nhiều giáo viên cũng đang gặp khó khi chính họ cũng không biết sẽ phải dạy, truyền đạt thế nào cho học trò.

Để giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em một cách thoải mái, dễ chịu, không gây cảm giác ức chế cho người nghe, thì người dạy cần được tập huấn, có kiến thức và kỹ năng, đây là một nội dung rất khó. Những chuyên gia cũng phải mất rất nhiều năm để nghiên cứu được một chương trình giáo dục giới tính vừa hiệu quả, ấn tượng lại không nhạy cảm. Như vậy giáo viên sẽ rất khó để đáp ứng tốt vai trò này.

Muốn thay đổi vấn đề về giáo dục giới tính, trước tiên cần thay đổi quan niệm, suy nghĩ của toàn xã hội, Bộ GD-ĐT cũng cần xem xét về việc có đưa môn giáo dục giới tính vào chương trình học hay không. Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh rằng, giáo dục giới tính cho trẻ không phải trách nhiệm của riêng nhà trường mà phần lớn trách nhiệm thuộc về bố mẹ. Có một thực tế rằng, hiện nay có nhiều trẻ dậy thì rất sớm từ lớp 2, lớp 3, nhưng chương trình lớp 4, lớp 5 mới bắt đầu đề cập đến nội dung này. Như vậy, không ai khác ngoài bố mẹ là người bổ trợ kiến thức tốt nhất cho trẻ. Bố mẹ phải là người gần gũi, quan sát và đưa ra những lời khuyên, chỉ dạy hợp lý cho trẻ, trường hợp phụ huynh gặp khó khăn thì cần trao đổi với thầy cô để có phương pháp hỗ trợ trẻ kịp thời.

PV: Khi sự việc xảy ra, đã có ý kiến cho rằng, lâu nay vẫn nói tới việc giáo dục giới tính cho trẻ, nhưng lại quên mất nhóm đối tượng cần giáo dục, truyền thông mạnh mẽ về vấn đề này chính là cha mẹ và thầy cô, bà nghĩ sao về quan điểm này, chúng ta cần làm gì để hạn chế những câu chuyện đáng tiếc như thời gian qua?

TS Vũ Thu Hương: Tôi cho rằng không thể đòi hỏi cả xã hội có kiến thức hay kinh nghiệm dạy học cho trẻ, việc này không dễ dàng. Điều quan trọng nhất là phụ huynh phải ý thức được tầm quan trọng, sự cần thiết của giáo dục giới tính với trẻ, khi đó sẽ tìm mọi cách để thực hiện. Trong trường hợp phụ huynh gặp khó khăn trong việc truyền đạt có thể mua sách cho con đọc và chia sẻ với con nhiều hơn, hoặc nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, cần có quy định rõ ràng về việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong gia đình, đơn giản nhất là có các chế tài xử phạt nếu bố mẹ không đảm bảo trách nhiệm nào đó theo quy định.

PV: Xin cảm ơn bà./.

Theo VOV