Chị Vu Quyên sinh năm 1979, là người thị trấn Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Chị từng đi du học tại Na Uy, lấy bằng Tiến sĩ và trở thành giảng viên trường Đại học Phúc Đán danh tiếng ở Thượng Hải.
Ngày 25/9/2008, chị Vu Quyên sinh con trai đầu lòng thì tháng 12/2009, chị bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Không lâu sau, bác sĩ thông báo bệnh của chị đã trở nặng, chuyển sang ung thư giai đoạn cuối.
Sau hơn 1 năm chống chọi với bệnh tật, ngày 19/4/2011, chị Vu Quyên đã qua đời ở tuổi 32.
Trong thời kỳ chiến đấu với căn bệnh ung thư, chị Vu Quyên đã viết tâm thư chia sẻ về cuộc sống, về bệnh tật và những thói quen có thể khiến mình mắc bệnh. Bức tâm thư được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người.
Có lẽ ai đọc về bức tâm thư của chị Vu Quyên cũng cảm thấy giật mình khi bất giác liên hệ đến bản thân mình. Người ta nói rằng, những lời lẽ của người sắp từ giã cõi đời là những lời lẽ “gan ruột” nhất, vì vậy mà nhiều người nghiến ngấu đọc những chia sẻ của chị Vu Quyên. Những lời tự sự của chị Vu Quyên trước khi mãi mãi ra đi ở tuổi 32 khiến cho nhiều người thấy thật sự cần thay đổi cách sống của bản thân.
“Ở thời khắc giữa sự sống và cái chết, nhu cầu thiết yếu như mua nhà, mua xe không còn ý nghĩa, chúng trở thành điều phù phiếm.
Hãy cố gắng dành thời gian bên con, mua những món quà cần thiết cho người thân bằng tiền tiết kiệm. Không cần thiết phải ép sống trong nhà đẹp, bởi dù ở đâu khi có những người yêu quý bên cạnh thì đó là nơi ấm áp, hạnh phúc nhất trong đời bạn”.
Từ câu chuyện của chị Vu Quyên, tôi nhớ đến lời Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14: “Sự chết không tuân theo bất cứ trật tự hoặc một quy luật nào. Bất cứ ai cũng có thể chết bất cứ thời điểm nào, dù họ giàu hay nghèo, già hay trẻ, bệnh tật hay khỏe mạnh”.
Trong khi cái chết là một điều chắc chắn sẽ đến, nhưng thời điểm nó đến thì lại không báo trước. Vậy chúng ta phải làm gì?
Trong cuốn sách “Sống hạnh phúc, chết bình an” (NXB Hồng Đức), Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 dạy rằng: “Càng làm cho cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn, chúng ta càng bớt ân hận vào thời điểm giã từ nó”.
Và ông giải thích rằng: “Chúng ta không thể sống một mình trong sự cô lập. (…). Niềm hạnh phúc cơ bản của chúng ta là dựa vào những người khác. Sống hòa hợp với thực tại này là một phương cách đầy ý nghĩa để trải qua cuộc sống của mình. Bởi những người khác là đối tượng mà hạnh phúc và sự an vui của mình phụ thuộc vào, thật thích đáng cho chúng ta quan tâm đến họ”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra cho chúng ta con đường để sống một cuộc sống có ý nghĩa, đó là quan tâm đến người khác! Bằng cách đó, chúng ta có thể sống một cuộc sống hạnh phúc và an vui trong những tháng ngày sống trong cuộc sống này.