Từ 'ATM gạo' đến 'ATM khẩu trang': Lan tỏa tình người trong đại dịch

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ hai, nhiều cá nhân, tổ chức xã hội có nhiều hoạt động thiết thực chung tay giúp đỡ cộng đồng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch, điển hình như xuất hiện “ATM khẩu trang” phát miễn phí cho người dân. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của người dân cùng vượt qua khó khăn trong đại dịch thông qua các "ATM gạo".

Khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, Việt Nam đã nhanh chóng có các biện pháp phòng, chống dịch từ sớm, lên phương án ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, cùng với những biện pháp giãn cách xã hội để dịch không bùng phát, một bộ phận không nhỏ người lao động đã gặp khó khăn khi không thể duy trì được cuộc sống mưu sinh thường ngày. Chính phủ cũng đã kịp thời có các gói hỗ trợ kinh tế đến những nhóm yếu thế trong xã hội nhất là người nghèo, người lao động gặp khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, sự chung sức của các tổ chức xã hội giúp đỡ người nghèo, người yếu thế cũng đóng vai trò rất quan trọng và gây được tiếng vang lớn, như mô hình “ATM gạo” đã giúp đỡ về lương thực cho những người dân gặp khó khăn do dịch bệnh và đã được nhiều nước trên thế giới khen ngợi.

Tuy vậy, khi “làn sóng thứ hai” của đại dịch Covid-19 trở lại Việt Nam bùng phát ở Đà Nẵng đã trở nên nguy hiểm bởi dịch Covid-19 đã có sự lây lan trong cộng động. Tính đến nay tổng số người nhiễm đã vượt qua con số 1.000 và đã xuất hiện ca tử vong do Covid-19, cụ thể là 27 ca, đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đến nay đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng.

Trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ở các địa phương đã xuất hiện rất nhiều những tấm lòng nhân ái đóng góp sức người, sức của, những lời động viên dành tặng lực lượng tuyến đầu chống dịch, sẻ chia từng bao gạo, thùng mì, từng chiếc khẩu trang y tế giúp đỡ người dân cùng vượt qua mùa dịch.

ATM gạo - Hạt giống tâm hồn

Mới đây, Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng phối hợp cùng các nhà hảo tâm, tổ chức chương trình “ATM gạo - Hạt giống tâm hồn” nhằm trao tặng gạo cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn trong thời điểm thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó ưu tiên các hộ gia đình có người khuyết tật, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, người già, người đang thực hiện cách ly....

 

DSCN0833
Người dân đang tìm hiểu quy trình nhận gạo...

Việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi dựa trên danh sách do Hội Chữ thập đỏ cung cấp với sự xác nhận của chính quyền địa phương. Dự kiến chương trình sẽ cấp phát 20 tấn gạo cho khoảng 3.000 người dân với tổng kinh phí 300 triệu đồng.

Được biết, sau khi nhận dữ liệu của người dân gồm số điện thoại và ảnh chứng minh nhân dân, hệ thống điều hành chương trình sẽ xử lý, xây dựng lịch hẹn nhận gạo theo giờ và thông báo trực tiếp thời gian, địa điểm nhận gạo cho người dân thông qua hệ thống thông báo tự động.

Trước 30 phút, hệ thống sẽ tự động điện thoại đến từng đối tượng hưởng lợi nhắc nhở thêm một lần thứ hai về thời gian và địa điểm nhận gạo cho người dân. Sau khi nhận gạo, thông tin người nhận sẽ được cập nhật lên hệ thống nhằm hạn chế lần nhận thứ hai trong cùng một thời điểm.

DSCN0817
...và nhận gạo tại ATM gạo.

Mỗi lần nhận gạo, người dân sẽ mất 5 phút để thực hiện các thao tác cụ thể như sát khuẩn tay, nhận dạng qua camera, nhận gạo tại máy.

Theo tính toán của chương trình, với mô hình quy mô gia đình 4 người thì mỗi gia đình sẽ được nhận tối đa 12 kg/1 lần/1 tuần. Người dân được thông báo phải thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian nhận gạo, không nên đến quá sớm, trong trường hợp đến muộn giờ thì máy phát gạo tự động sẽ bỏ qua lượt nhận gạo của hộ dân.

Điều này sẽ giúp chương trình thực hiện nghiêm quy định về giãn cách trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid – 19 và đồng thời trong tương lai sẽ khắc phục tình trạng chờ đợi, lãng phí thời gian để nhận gạo của người dân.

Đối với những người già hoặc bệnh nhân nặng cần cấp phát gạo nhưng không thể đến được địa điểm máy phát gạo tự động, sẽ được các tình nguyện viên Chữ thập đỏ hỗ trợ mang gạo đến tận hộ nhà.

ATM gạo sẽ được di chuyển đến từng xã/phường để phục vụ người dân, tạo điều kiện cho người dân nhận gạo ở địa điểm gần nhất. Với một quy trình công nghệ chặt chẽ, hệ thống ATM gạo sẽ giúp tiết kiệm thời gian, đảm bảo giãn cách, sự công bằng và không trùng lắp cho mỗi đối tượng hưởng lợi, chuyển thông tin cho người hưởng lợi một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. 

DSCN0809
Dự kiến, “ATM gạo công nghệ cao” sẽ cấp phát 20 tấn gạo cho khoảng 3.000 người dân

Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm khảo sát, đánh giá nhu cầu, chọn lựa đối tượng hưởng lợi, cung cấp dữ liệu thông tin liên quan của người hưởng lợi chuyển đến hệ thống xử lý thông tin của chương trình.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng, bà Lê Thị Như Hồng cho biết: “Việc vận động các nguồn lực để chia sẻ, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn là mong muốn lớn nhất của Hội. Chúng tôi mong đợi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đồng hành thực hiện chương trình có ý nghĩa này để phần nào giảm bớt khó khăn cho người dân trong lúc tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay”.     

"ATM khẩu trang" phát miễn phí cho người dân

Tiếp tục thành công từ những cây “ATM gạo”, mô hình “ATM khẩu trang" đã nhanh chóng được triển khai. Ngày 6/8, máy “ATM khẩu trang” miễn phí đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh chính thức hoạt động, và chủ nhân của “ATM khẩu trang" chính là anh Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi, TP.HCM) - người đã phát minh ra "ATM gạo" trước đó.

a1-2
Anh Hoàng Tuấn Anh hướng dẫn người dân nhận khẩu trang miễn phí. .Ảnh: Báo Tin tức

So với "ATM gạo" trước đây, "ATM khẩu trang" miễn phí đã có những cải tiến tốt hơn giúp người dân khi đến nhận khẩu trang hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những đồ vật xung quanh. Về cơ chế vận hành chiếc máy này cũng tương tự như "ATM gạo". Khi có người đến nhận thì camera sẽ nhận diện khuôn mặt và cảm biến chuyển động báo vào điện thoại của người vận hành, mất khoảng 2-3 phút khẩu trang sẽ chạy ra đến tay người nhận.

Tại Hà Nội, Từ ngày 25/8 đến ngày 30/9, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và Ban Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu phối hợp thực hiện chương trình trao tặng khẩu trang y tế. "ATM khẩu trang" tại Tòa nhà 23 Lạc Trung (Hà Nội) để phục vụ việc cung cấp khẩu trang miễn phí cho người dân toàn thành phố.

Cơ chế hoạt động cũng tương như như cây “ATM khẩu trang” ở TPHCM, người dân chỉ cần xếp hàng và đảm bảo giãn cách theo quy định, lần lượt “rút” khẩu trang bằng cách đứng trước máy quay nhận diện thông minh gắn kèm thiết bị ATM.

Dự kiến sẽ có 45.000 khẩu trang y tế loại 3 lớp và 4 lớp được chuẩn bị sẵn để phục vụ việc phát miễn phí thông qua cây ATM này. 

atm-khau-trang
"ATM khẩu trang" được đặt tại Tòa nhà 23 Lạc Trung (Hà Nội)

Không chỉ vậy, BTC chương trình tiếp tục phối hợp với các mạnh thường quân trao tặng thêm 125.000 khẩu trang trao cho các Bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Đây là 2 địa phương tuyến đầu trong công tác phòng, chống và chữa trị cho những người bị mắc Covid-19.

Khi dịch bùng phát trở lại, các nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng đã chia sẻ thông tin, kêu gọi đóng góp và ủng hộ những vật phẩm thiết thực cho việc chống dịch. Nữ ca sĩ Thái Thuỳ Linh cùng các mạnh thường quân chuyển 2.000 khẩu trang N95-P3, hàng trăm chai dầu gội khô, dung dịch dưỡng da tay, móc đeo khẩu trang... đến các bệnh viện ở Đà Nẵng. “Tôi mong muốn cộng đồng hãy chung tay, đóng góp ủng hộ cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.

Ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân và Denis Đặng cũng đã gửi tặng các vật phẩm để phòng chống dịch Covid-19 ở Đà Nẵng, gồm 20.000 khẩu trang y tế cao cấp, 100 bộ quần áo chống độc cao cấp (dành riêng cho các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, 4.000 đôi găng tay y tế, 500 chai nước xịt rửa tay kháng khuẩn chuyên dụng). Họ cũng chia đều số lượng khẩu trang, nước xịt rửa tay chuyên dụng và các nhu yếu phẩm cần thiết để gửi tới khu Ký túc xá phía Tây Đà Nẵng - khu vực cách ly tập trung, gồm 5.000 thùng mì gói, 1.000 phần lương khô, 5.000 bình nước sinh hoạt 20 lít.

Là một người con của xứ Quảng, ca sĩ Quang Hào cũng đứng ra kêu gọi mọi người ủng hộ cho 2 Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện C Đà Nẵng, sau khi gửi tặng 100 bộ đồ bảo hộ y tế. Trong khi đó, nhà thiết kế Công Trí tặng 2.000 khẩu trang loại N95 dành cho các y bác sĩ ở bệnh viện Đà Nẵng, còn nhà thiết kế Chung Thanh Phong gửi cho các bệnh viện, khu cách ly 1.000 khẩu trang, nước xịt khuẩn.

Với chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Y tế, của các tỉnh thành,... cùng với sự nỗ lực của các y bác sĩ, những lực lượng chốt chặn nơi tuyến đầu, sau 1 tháng bùng phát, các ổ dịch tại Việt Nam đều đã được kiểm soát, kể cả ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương. Các ca nhiễm mới trong thời gian gần đây đi vào chiều hướng kiểm soát được và số lượng giảm dần. Đây không chỉ là thành công chỉ riêng của ngành y tế, mà còn có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng, của các tổ chức, xã hội, các mạnh thường quân. Tin rằng, với sự chung tay của toàn thể cộng đồng, trong thời gian gần nhất, Việt Nam sẽ đẩy lùi được đại dịch Covid-19.

Đ.Long (t/h)