Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, với vai trò là cơ quan đầu mối và quản lý nhà nước đối với công tác trên,phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
Nâng cao phản biện xã hội, tạo khả năng lên tiếng của người dân trong truyền thông chính sách
Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa cơ bản của truyền thông chính sách pháp luật ngay từ khâu dự thảo nhìn từ phía người dân?
Ông Lê Vệ Quốc: Tại nhiều diễn đàn, cuộc họp quan trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn coi trọng công tác truyền thông chính sách, pháp luật với phương châm truyền thông phải đi trước một bước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội; mọi hoạt động của Chính phủ, của các cơ quan Nhà nước đều phải công khai, minh bạch để người dân được biết, trừ những nội dung mật theo quy định. Quan điểm này nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển, lấy người dân làm trung tâm, đảm bảo phục vụ tối đa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Từ góc độ người dân, truyền thông chính sách, pháp luật ngay từ khâu dự thảo văn bản được coi là phương thức cơ bản để người dân được "hưởng dụng quyền dân chủ của mình".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của nhân dân". Đảng ta xác định dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước, là bản chất của chế độ XHCN. Nhân dân làm chủ, tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước và xã hội thông qua nhiều phương thức khác nhau, trong đó có việc tham gia đóng góp hoàn thiện dự thảo chính sách pháp luật, hình thành văn hóa đối thoại chính sách pháp luật trong nhân dân.
Hiến pháp năm 2013 tại Điều 25 quy định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền tiếp cận thông tin…". Có thể khẳng định rằng, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin là nền tảng đảm bảo cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tạo khả năng lên tiếng của người dân, cho phép người dân tham gia vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Thông qua truyền thông dự thảo chính sách, nhiều phản ánh, ý kiến của người dân được ghi nhận kịp thời để hoàn thiện dự thảo, qua đó đáp ứng nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Chính vì vậy, việc truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật không những nhằm đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của người dân trong tham gia xây dựng pháp luật theo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" mà có ý nghĩa hết sức quan trọng củng cố, xây dựng niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường đồng thuận xã hội, quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013".
5 giải pháp căn cơ trong truyền thông chính sách
Vậy giải pháp căn cơ cho các cơ quan thông tin, báo chí thực hiện hoạt động truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật là gì, thưa ông?
Ông Lê Vệ Quốc: Với ưu thế thông tin sâu rộng, nhanh nhạy, kịp thời, báo chí luôn khẳng định vai trò, tầm quan trọng trong công tác truyền thông chính sách pháp luật nói riêng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa thông tin pháp luật đến người dân nói chung. Với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027" là minh chứng thể hiện sâu sắc điều đó.
Để báo chí trở thành kênh thông tin chủ lực, nòng cốt thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật đến với xã hội, người dân, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, đáp ứng tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cần thực hiện một số giải pháp căn cơ như sau:
Một là, các cơ quan thông tin, báo chí cần phát huy vai trò của mình trong việc chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để được cung cấp thông tin về nội dung của dự thảo chính sách một cách chính xác, kịp thời và chính thức. Đồng thời chủ động khai thác nguồn tin về dự thảo chính sách trên các kênh thông tin chính thức khác của cơ quan nhà nước, như trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; trả lời phỏng vấn của người có thẩm quyền đại diện cơ quan nhà nước chủ trì soạn thảo chính sách…
Hai là, tổ chức thực hiện và xây dựng các sản phẩm truyền thông phù hợp, đa dạng về hình thức thể hiện đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội một cách đa chiều, trong đó, chú trọng xây dựng các chuyên mục, chiến dịch truyền thông, đưa tin vào khung giờ thu hút khán, thính giả, ứng dụng công nghệ thông tin để truyền thông về dự thảo chính sách, pháp luật.
Ba là, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, nghiệp vụ, cung cấp tài liệu kỹ năng về tổ chức truyền thông chính sách cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý báo chí để tham gia triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách có hiệu quả.
Bốn là, nghiên cứu cơ chế cụ thể để cơ quan báo chí phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách pháp luật, cùng tham gia thực hiện truyền thông chính sách, trong đó có việc đặt hàng, giao nhiệm vụ truyền thông chính sách cho cơ quan báo chí thực hiện… để đảm bảo hoạt động này được triển khai ổn định, bền vững.
Năm là, nghiên cứu để tiến tới xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện truyền thông chính sách chuyên trách, được đào tạo bài bản để tham mưu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách một cách kịp thời, đi trước một bước để thống nhất nhận thức và hành động.
Từ năm 2023, 100% chính sách có tác động lớn được truyền thông mạnh mẽ
Xin ông cho biết Bộ Tư pháp có vai trò như thế nào trong triển khai Quyết định số 407/2022/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027"?
Ông Lê Vệ Quốc: Vai trò của Bộ Tư pháp trong triển khai Quyết định số 407/QĐ-TTg đã được xác định cụ thể tại Đề án.
Theo đó, với vai trò cơ quan chủ trì, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Đề án và là Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ Tư pháp đã và đang khẩn trương tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án; tổ chức các hoạt động để quán triệt, phổ biến việc thực hiện Đề án đảm bảo nhất quán, toàn diện, thực chất trong toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản QPPL các cấp, các cơ quan thông tin, truyền thông báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Bộ Tư pháp cũng xác định vai trò nòng cốt của mình để triển khai Đề án trong việc ban hành Kế hoạch thực hiện hàng năm cũng như tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL trung ương hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Đề án.
Trong thời gian tới, với nhiệm vụ được giao tại Đề án, Bộ Tư pháp cũng sẽ khẩn trương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông dự thảo, chính sách và tiếp cận thông tin; tổ chức tập huấn cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Đồng thời, phối hợp Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, huy động các nhà khoa học, chuyên gia tham công tác truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của Đề án là đến năm 2022, 70% chính sách có tác động lớn đến xã hội và từ năm 2023, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng xây dựng VBQPPL đến khi thông qua, ban hành văn bản, nếu chỉ riêng sự vào cuộc của Bộ Tư pháp thì sẽ không thể thực hiện mục tiêu này.
Rõ ràng, cần xác định đây là trách nhiệm, cần có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cơ quan chủ trì soạn thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, các cơ quan giám sát, phản biện, toàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin, báo chí trung ương và địa phương trong công tác PBGDPL nói chung, công tác truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật nói riêng. Có như vậy thì việc thực hiện mục tiêu của Đề án mới bảo đảm tính khả thi.
Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp các cấp trong triển khai Đề án. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả trong thực hiện truyền thông dự thảo chính sách nhằm góp phần tăng cường chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, tạo đồng thuận xã hội đối với văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông !
Lê Sơn (thực hiện)