“Truy” độc tố nấm gây ung thư trên ớt bột

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Từ ngày 16/1, các địa phương bắt đầu đợt tổng kiểm tra, lấy mẫu đối với các sản phẩm ớt khô trên phạm vi cả nước để xác định về thực trạng tồn dư của Aflatoxin.

Đợt tổng kiểm tra do Cục Quản lí Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad, Bộ NN-PTNT) phối hợp với Cục An ninh Nông nghiệp nông thôn (A86, Bộ Công an) và các địa phương thực hiện.

Theo Nafiqad, đợt tổng kiểm tra lấy mẫu để phân tích về dư lượng Aflatoxin trên ớt bột sẽ diễn ra trên phạm vi cả 3 miền của cả nước, với số lượng khoảng 200 mẫu nhằm đảm bảo tính chính xác và xác suất.

Trong ngày 16/1, tại Hà Nội, Nafiqad phối hợp với A86 đã bắt đầu tiến hành kiểm tra đột xuất, lấy mẫu tại một số cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm ớt khô trên địa bàn thành phố. Tại các điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu, niêm phong để phân tích dư lượng Aflatoxin trong thời gian tới.

Substitutes-for-Smoked-Paprika-620x330
Nếu ớt bột không được sản xuất, bảo quản ớt đúng cách rất dễ phát sinh các loại nấm mốc, đặc biệt là nấm mốc aflatoxin có thể gây ung thư gan

Trước đó, Viện Pasteur TP.HCM vừa công bố 100% mẫu ớt bột được thu thập ngẫu nhiên tại 5 tỉnh trong vòng 2 tháng để xét nghiệm đều nhiễm vượt ngưỡng nấm mốc Aflatoxin - một loại nấm mốc cực kỳ nguy hiểm có thể gây ung thư gan. 

Theo công bố của Viện Pasteur TP.HCM, trong 48 mẫu ớt bột được Viện lấy ngẫu nhiên tại 5 địa phương, gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi làm các phân tích xét nghiệm đều cho kết quả: 100% mẫu đều có chất aflatoxin (chất có thể gây ung thư gan). 

Đặc biệt, có 20,8% số mẫu có hàm lượng vượt ngưỡng Aflatoxin B1 quy định theo Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.

Các chuyên gia y tế cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện aflatoxin trong ớt bột là do các vấn đề liên quan đến thu hoạch, chế biến, vận chuyển và bảo quản. Các phương pháp sản xuất, bảo quản thủ công khiến người dân không thể kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, dẫn đến việc nhiễm aflatoxin.

Tuy trước mắt không gây hại rõ rệt cho người sử dụng, nhưng việc tích lũy lâu dài trong quá trình sống và sử dụng thực phẩm sẽ khiến gia tăng số người mắc và chết do ung thư gan vì nguyên nhân độc tố aflatoxin B1.

Điều nguy hiểm là, độc tố aflatoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ sôi thông thường, có thể tồn tại trong thực phẩm không cần sự có mặt của nấm mốc tương ứng. Loại nấm mốc này có khả năng gây độc tính cấp và mạn.

Nguy hiểm nhất là khả năng gây xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Các nghiên cứu ở những vùng có tỉ lệ ung thư cao trên thế giới đều cho thấy nhiễm độc aflatoxin là nguy cơ chính gây ung thư gan.

Aflatoxin là độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một số loài nấm Aspergillus. Độc tố này được cho là nguyên nhân gây nên ung thư tế bào gan với tỉ lệ lớn trên thế giới.

Các loại nông sản thường bị nhiễm aflatoxin là ngũ cốc như: Ngô, kê, lúa gạo, hạt lúa mì…; hạt có dầu: Lạc, đậu tương, hạt hướng dương, đậu nành, bjat bông; gia vị: Ớt, hạt tiêu đen, rau mùi, nghệ, gừng và các loại quả hoặc hạt khác như hạt dẻ, dừa…

Tuyết Nga