Vừa tinh giản, vừa cơ cấu lại đội ngũ
Tại Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức cho báo chí về xây dựng Đảng sáng 14/7, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, theo quy chế của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị sẽ quyết định và quản lý tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị.
“Khoảng 1-2 tuần nữa có quyết định về vấn đề này. Một trong những vấn đề lớn đó là biên chế phải tập trung dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, tổng biên chế do Bộ Chính trị quyết định. Chủ trương lớn về biên chế cơ bản tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 39, Nghị quyết 13 tức là vừa tinh giản, vừa cơ cấu lại đội ngũ. Nghị quyết 13 nói đẩy mạnh tinh giản biên chế, lần này Bộ Chính trị quyết định sau khi đã giảm 10% biên chế vào năm 2021 thì sẽ tiếp tục giảm 5% trong giai đoạn 2022-2026” - bà Trương Thị Mai cho biết.
Cùng với tinh giản, sẽ dần tách hợp đồng khỏi biên chế, cho phép chi thường xuyên để trả hợp đồng để đáp ứng công việc cơ quan; phân cấp phân quyền mạnh hơn.
Sắp tới đây, khi có văn bản chính thức về tổng biên chế, Thường vụ cấp ủy, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sẽ được toàn quyền quyết định biên chế, việc giao tương tự như cấp ngân sách. Sau khi được giao số biên chế, các đơn vị sẽ tính toán từng nơi, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị. Địa phương quản lý biên chế toàn diện, không phân thành hai, ba nhánh như hiện nay.
“Ban Thường vụ cấp ủy chịu trách nhiệm về toàn bộ số biên chế quản lý; chỗ nào tăng thêm, giảm đi hay giữ nguyên thì Ban Thường vụ hoàn toàn chịu trách nhiệm” – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết và nhấn mạnh năm 2026 sẽ cố gắng chuyển thêm một bước là biên chế được quyết định hoàn toàn dựa trên vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức. Khi nào làm được như vậy thì số biên chế mới chuẩn mực.
“Quy định được ban hành ra thì các cơ quan theo quy định mà làm. Người nào trách nhiệm đến đâu, làm gì, quản lý biên chế là làm những việc gì... sẽ được quy định để tạo thuận lợi trong triển khai. Đây là lần đầu tiên chúng ta thống nhất biên chế trong toàn hệ thống chính trị, ban hành quy định về quản lý biên chế” – bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.
"Không thể vừa quy hoạch xong đã bổ nhiệm ngay"
Về quy hoạch cán bộ, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trong năm nay đã có Quy định 50 về quy hoạch cán bộ thay thế văn bản cũ. Việc lập quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tới có nhiều điểm mới, nếu như trước đây quy hoạch 3 nhóm đối tượng thì bây giờ sẽ rút lại còn 2.
Thực tế, qua Đại hội vừa qua thấy rằng, nhóm đối tượng 1 vào Trung ương, đối tượng 3 vào ủy viên dự khuyết Trung ương, “còn đối tượng 2 là cấp Vụ trưởng không vào đâu hết". Vì vậy, lần này quy hoạch chỉ còn 2 nhóm, trong đó nhóm 1 có thể tiếp cận ngay với các vị trí được quy hoạch, nhóm 2 là nhóm chuẩn bị cán bộ trẻ cho Đảng.
Ngoài ra, bà Trương Thị Mai cũng nêu thực tiễn lâu nay có người vừa quy hoạch xong là bổ nhiệm luôn. Vì vậy, lần này khắc phục, khi có quyết định quy hoạch sau 3 tháng mới làm quy trình bổ nhiệm, nếu cán bộ được bổ nhiệm, vì "phải có khoảng cách, không thể vừa quy hoạch xong đã bổ nhiệm ngay thì gây phản cảm trong xã hội”.
Bên cạnh đó, số lượng cán bộ quy hoạch cho mỗi vị trí cũng giảm so với trước. Nếu như trước đây, 1 chức danh quy hoạch 4 người thì lần này 1 chức danh quy hoạch không quá 3 người, 1 người không quá 3 chức danh.
"Trước giới thiệu 100 người thì chỉ 30 người vào vị trí, 70 người ngồi lại sẽ tâm tư, do đó phải hẹp lại. Quy hoạch 60 thì phải được 30, như vậy cán bộ có hy vọng và động lực. Giảm số lượng cán bộ quy hoạch cho các vị trí cũng giúp chọn người tốt hơn, giỏi hơn và chặt chẽ hơn”- Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói.
Một điểm mới khác được bà Trương Thị Mai nhấn mạnh đó là khi chọn cán bộ thay thế người bị khai trừ, khởi tố, Bộ Chính trị không chỉ quan tâm tới năng lực, bản lĩnh mà còn phải “trong sạch".
"Cán bộ không “sạch sẽ” rất khó được quan tâm bổ nhiệm vào các vị trí. Như vậy cán bộ, đảng viên, nhân dân mới yên tâm" - bà Trương Thị Mai cho biết./.