Theo Cục Hàng không (Bộ GTVT), tối 26/9, Cảng vụ hàng không miền Trung đã ra quyết định tạm dừng khai thác 5 sân bay tại khu vực này do ảnh hưởng của cơn bão số 4 (bão Noru).
Cụ thể, tạm dừng khai thác và tiếp nhận tàu bay tại sân bay Đà Nẵng, sân bay Phú Bài (Thừa Thiên-Huế), sân bay Pleiku (Gia Lai), sân bay Phù Cát (Bình Định) và sân bay Chu Lai (Quảng Nam). Các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Phù Cát (Quy Nhơn, Bình Định), Pleiku (Gia Lai) sẽ tạm ngừng tiếp nhận tàu bay từ 12h00 ngày 27/9/2022 đến 11h59 ngày 28/9/2022. Riêng sân bay Chu Lai sẽ tạm ngừng tiếp nhận tàu bay trong thời gian từ 7h00 sáng 27/9/2022 đến 6h59 ngày 28/9.
Các chuyến bay đến và đi tại các sân bay trên trong thời gian ảnh hưởng của bão cũng sẽ tạm ngừng.
Ngoài ra, các chuyến bay đến và đi từ các sân bay Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Tuy Hòa (Phú Yên), Liên Khương (Đà Lạt, Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng dự kiến phải điều chỉnh thời gian khai thác do ảnh hưởng của bão.
Một số chuyến bay khác chịu ảnh hưởng dây chuyền. Hành khách trên các chuyến bay chịu ảnh hưởng được hỗ trợ theo chính sách dịch vụ của hãng.
Cục Hàng không đã yêu cầu các doanh nghiệp hàng không ứng trực 24/24 giờ; thực hiện nghiêm quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng, liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.
Các cảng hàng không, hãng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Noru để điều chỉnh kế hoạch bay tại một số địa phương có ảnh hưởng trực tiếp của bão và đảm bảo tuyệt đối hoạt động bay.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không lưu ý các doanh nghiệp cần chủ động phòng chống, rà soát, thống kê các trang thiết bị chằng néo, neo đậu tàu bay tại cảng hàng không, đảm bảo công tác bay an toàn trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ công trình nhà ga, kho hàng... nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Hàng không chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác an toàn bay, không cho phép máy bay, cất/hạ cánh khi có tình huống xấu của thời tiết trong khu vực bị ảnh hưởng của bão.
Cục Hàng hải được yêu cầu nắm chắc số lượng tàu thuyền đang neo đậu tại cảng, vùng nước và hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn; không cấp phép cho tàu rời cảng có hướng hành trình đi vào vùng ảnh hưởng nguy hiểm của bão; triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cảng, bến, con người hoạt động trong phạm vi quản lý; sẵn sàng các phương án về lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.
Tổng cục Đường bộ phải chỉ đạo các đơn vị liên quan quản lý tuyến đường bộ trong khu vực ảnh hưởng bão bố trí nhân lực, phương tiện để chống ngập lụt, khắc phục kịp thời hậu quả do mưa bão… đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất.
Cục Đường thuỷ nội địa, Cục Đường sắt, Sở GTVT cũng được yêu cầu sẵn sàng phương án về nhân lực, phương tiện để ứng phó bão và khắc phục nhanh nhất thiệt hại do bão gây ra đảm bảo giao thông thông suốt.