Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19

Tạp Chí Nhân Đạo
Chiều 6/5/2021, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì phiên họp.
Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện các Ban của Trung ương Hội: Chăm sóc sức khỏe, Quản lý thảm họa, Đầu tư - Phát triển nguồn lực, Công tác xã hội, Truyền thông - Tình nguyện viên, Tài chính - Kế toá, Văn phòng. PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì phiên họp.
Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhấn mạnh: Thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Trung ương Hội đã hoạt động tích cực, có những tham mưu cụ thể đối với việc phòng chống dịch bệnh Covid- 19 trong toàn hệ thống Hội. Tuy nhiên, sau hơn 30 ngày không xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng, dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại, lây lan trong cộng đồng nhiều tỉnh, thành phố: Hà Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hải Dương… Đặc biệt, các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng phức tạp, bao gồm cả bệnh viện đầu ngành về điều trị Covid-19. Bởi vậy, cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Trung ương Hội hôm nay cần trao đổi, phân tích để điều chỉnh các hoạt động của Hội cho phù hợp với tình hình dịch bệnh một cách chủ động nhất.


PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Trung ương Hội.

Báo cáo tại cuộc họp, bà Trần Thị An - Phó trưởng Ban Chăm sóc sức khỏe cho biết: Ngay khi dịch bùng phát trở lại, Trung ương Hội đã có công văn chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ các tỉnh/thành thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Trung ương Hội cũng đã hỗ trợ 400 triệu đồng cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam gồm 300 triệu đồng tiền mặt để hỗ trợ các đối tượng khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo trong khu vực bị cách ly (tiền và các nhu yếu phẩm) và 100 triệu đồng mua khẩu trang hỗ trợ lực lượng tham gia phòng chống dịch và người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo báo cáo nhanh của 12 tỉnh, thành Hội, các địa phương đã tổ chức 132 buổi truyền thông cho 6598 lượt người; cấp phát phát 68.810 khẩu trang 1617 xà phòng/dung dịch rửa tay cho các điểm cách ly tập trung, cơ sở y tế và người dân… Tổng trị giá các hoạt động hơn 718 triệu đồng. Ngoài ra, công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng đã được lồng ghép trong các hoạt động hưởng ứng “Tháng Nhân đạo” như tổ chức vận động hiến máu tình nguyện, Chợ Nhân đạo, sơ cấp cứu, trao tặng quà cho các đối tượng khó khăn, người nghèo/cận nghèo và người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… 
Trong tình hình dịch bệnh kéo dài hiện nay, ông Lê Gia Tiến - Trưởng Ban Chăm sóc sức khỏe cho rằng: Với đặc thù của đợt dịch lần này là có rất nhiều lao động Việt Nam từ nước ngoài trở về nước, sau khi ở các khu cách ly tập trung, họ trở về gia đình không có việc làm, sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, ngoài các đối tượng mà Hội Chữ thập đỏ đã trợ giúp trong thời gian qua là người nghèo, người già, phụ nữ, người khuyết tật… Hội cần mở rộng hỗ trợ sang nhóm đối tượng là người lao động từ nước ngoài trở về gặp khó khăn trong đời sống và việc làm; tập trung rà soát, nắm danh sách những lao động này nhất là ở các tỉnh vùng biên. 
Ông Trần Sĩ Pha - Trưởng ban Quản lý thảm họa cho biết các hoạt động hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vẫn đang được tiếp tục triển khai tại các tỉnh/thành thông qua các dự án hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh, để tránh các hoạt động tập trung đông người, theo ông Pha việc hỗ trợ theo hình thức cấp tiền đa mục đích sẽ phù hợp cho các địa phương. 


Các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trao đổi, thảo luận về các giải pháp ứng phó với dịch.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Trung ương Hội cần có sự tính toán, nghiên cứu để đưa ra các giải pháp ứng phó tương ứng, chủ động thích ứng khi các tình huống mới của dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt, cần tham mưu xây dựng hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong toàn hệ thống Hội đối với các lĩnh vực hiến máu, phòng ngừa thảm họa, công tác xã hội, triển khai các dự án… để các cấp Hội trong toàn hệ thống có căn cứ áp dụng, triển khai, đảm bảo an toàn khi tham gia các hoạt động phòng chống dịch. Bên cạnh đó, cần sớm làm việc với Hội Chữ thập đỏ Mỹ để thực hiện video hướng dẫn phòng chống dịch. Đối với Tháng Nhân đạo đang được triển khai, trong thời điểm hiện tại, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương thực hiện như thế nào để đảm bảo an toàn nhưng các hỗ trợ của Hội vẫn đến được với người dân đúng đối tượng, thiết thực và hiệu quả. Về đối tượng hỗ trợ, Chủ tịch Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị phối hợp với Chữ thập đỏ các tỉnh rà soát, nắm rõ danh sách những lao động từ nước ngoài trở về có hoàn cảnh khó khăn để có sự hỗ trợ phù hợp. Công tác vận động nguồn lực, truyền thông cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là huy động sự tham gia vào cuộc của lực lượng tình nguyện viên trong các lĩnh vực của Hội. 
Trần Thu Hương