Mới đây, chính quyền Trung Quốc cảnh báo sẽ trả đũa Mỹ nếu Nhà Trắng ký phê duyệt một dự luật về Hong Kong. Tuy nhiên, Bloombergnhận định Bắc Kinh hầu như không còn "vũ khí" hay "đạn dược" gì để đáp trả Washington.
Bởi tất cả các ngón đòn trừng phạt đều đã được Trung Quốc áp dụng trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Nước cờ rõ ràng nhất của Trung Quốc là ngừng mua hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên Bắc Kinh đã đánh thuế lên 135 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Tính đến tháng 10, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc sụt giảm 12 tháng liên tiếp. Trong tháng 10, doanh số xuất khẩu Mỹ sang Trung Quốc tụt dốc 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành nông nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề. Số trang trại phá sản tăng 24% trong năm nay. Theo báo cáo của Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ, 40% thu nhập của nông dân nước này trong năm nay đến từ bảo hiểm và cứu trợ của chính phủ.
Tuy nhiên, những thiệt hại đó đều đã xảy ra rồi. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc sẽ không bao giờ phục hồi kể cả nếu chiến tranh thương mại chấm dứt vào ngày mai, bởi Bắc Kinh đã tìm thấy những nhà cung cấp thay thế.
Kể cả các hãng xuất khẩu vẫn đang bán hàng sang Trung Quốc cũng đang tìm kiếm thị trường thay thế. Do đó, Trung Quốc khó có khả năng đe dọa Mỹ trên mặt trận thương mại.
Vũ khí lớn thứ hai của Trung Quốc là đầu tư. Chính phủ Trung Quốc là chủ nợ lớn của Mỹ và là quốc gia nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nhật Bản.
Khi chiến tranh thương mại nổ ra, nhiều người lo ngại Bắc Kinh sẽ bán tống bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, khiến hệ thống tài chính và nền kinh tế Mỹ tổn thương nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nguy cơ này bị thổi phồng quá mức. Trên thực tế, Mỹ không cần tiền mặt của Trung Quốc. Trong năm 2015 và 2016, Trung Quốc bán khoảng 500 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Nếu quả thực Mỹ phụ thuộc vào tiền Trung Quốc, khi đó lãi suất của nợ Mỹ phải tăng vọt.
Nhưng trên thực tế, lãi suất lại giảm đi. Theo Bloomberg, đều đó cho thấy việc Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ không gây nguy hại đáng kể. Mỹ có quá nhiều nguồn tài chính khác ngoài Trung Quốc.
Thậm chí nhiều chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc bán tống bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ là hành động tự sát, bởi nó có thể khiến giá đồng NDT sụt giảm nghiêm trọng, hệ thống tài chính Trung Quốc lung lay, nền kinh tế chao đảo.
Vũ khí cuối cùng Trung Quốc có thể sử dụng là hạn chế xuất khẩu đất hiếm, nguyên liệu đầu vào quan trọng đối với nhiều sản phẩm công nghệ. Nhưng mối đe dọa này cũng không có gì đáng kể.
Năm 2010, Trung Quốc cắt giảm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vì tranh chấp địa chính trị. Khi đó, chính quyền Tokyo hợp tác với một công ty Australia để tìm nguồn cung mới, phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc. Mỹ có thể dễ dàng lặp lại nước cờ này.