Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ghi nhận 31.444 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng vào sáng ngày 24/11. Trong đó, 27.517 ca không có triệu chứng. Con số này đã vượt mức ca mắc cao nhất từng được ghi nhận trước đây – với trên 29.000 ca vào giữa tháng 4 khi Thượng Hải áp lệnh phong toả nghiêm ngặt.
Làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới bùng phát sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách “không COVID” nghiêm ngặt, với các động thái như giảm thời gian cách ly, đón nhiều khách du lịch nội địa hơn và giảm truy vết tiếp xúc nhằm hạn chế gián đoạn đối với nền kinh tế và xã hội.
Cách đây 2 tuần, giới chức nước này cũng đưa ra các biện pháp 20 điểm trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng. Cơ quan y tế quốc gia cho biết giới chức sẽ xây dựng thêm nhiều bệnh viện, trang bị nhiều giường chăm sóc đặc biệt hơn và nhấn mạnh các nhà lãnh đạo đã chuẩn bị để đối phó với những làn sóng COVID-19 lớn hơn.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương đang phải đối mặt với mục tiêu cân bằng khó khăn. Đó là vừa phải cố gắng đạt mục tiêu “không COVID năng động” – cắt đứt chuỗi lây nhiễm thay vì duy trì số ca mắc ở mức 0, vừa phải nỗ lực thực hiện biện pháp 20 điểm mới – gồm hạn chế xét nghiệm và phong toả toàn thành phố.
Trịnh Châu – trung tâm tỉnh Hà Nam – đã trở thành thành phố đầu tiên ở Trung Quốc tuyên bố phong toả sau khi những biện pháp phòng dịch mới được đưa ra. Cuối ngày 23/11, chính quyền thành phố cho biết sẽ thực hiện kế hoạch “kiểm soát hoạt động” kéo dài 5 ngày ở các quận nội thành từ ngày 25/11.
Trịnh Châu đã ghi nhận 674 ca mắc trong cộng đồng vào ngày 25/11, giảm nhẹ so với 827 ca một ngày trước đó. Thành phố này đã báo cáo gần 3.000 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 khoảng 2 tuần trước.
Bên cạnh đó, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, là một trong những thành phố đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ về việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch bằng cách hủy bỏ và đóng cửa các trạm xét nghiệm. Nhưng ngay sau đó khu vực này đã phải rút lại kế hoạch, tái triển khai xét nghiệm hàng loạt cũng như phong tỏa, sau một tuần nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ người dân và dịch bệnh bùng phát trở lại.
Trên khắp Trung Quốc, một số thành phố lớn khác cũng đã thắt chặt các hạn chế phòng dịch COVID-19 để đối phó với làn sóng ca nhiễm gia tăng.
Từ ngày 24/11, giới chức thủ đô Bắc Kinh đã hối thúc người dân hạn chế tối đa việc ra ngoài và đến các địa điểm công cộng, sau khi yêu cầu trình giấy xét nghiệm PCR âm tính hợp lệ từ 72 giờ xuống còn 48 giờ. Các công viên, bảo tàng và trung tâm mua sắm đã đóng cửa. Thành phố này đã ghi nhận 1.648 ca nhiễm trong cộng đồng vào ngày 24/11, trong đó có 328 ca được phát hiện bên ngoài khu vực cách ly. Đây là minh chứng cho thấy virus đang lây lan rộng rãi trong cộng đồng.
Bắc Kinh chưa áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, nhưng nhiều tòa nhà và khu dân cư đã phải đóng cửa và hạn chế đi lại do các ca nhiễm virus. Hôm 23/11, quận Triều Dương, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 ở thủ đô, đã đóng cửa hàng trăm khu dân cư trong 3 ngày để ngăn chặn virus lây lan.
Người dân đã bắt đầu tích trữ thực phẩm và thuốc men khi nhiều tòa nhà bị phong tỏa. Trong cuộc họp báo chiều ngày 24/11, ông Yang Beibei, Phó Chủ tịch quận Triều Dương, đã trấn an rằng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu rất dồi dào và người dân không cần phải tích trữ quá nhiều.
Một trung tâm triển lãm lớn ở phía bắc Bắc Kinh cũng đã được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến để điều trị các ca mắc nhẹ. Bệnh viện này đã được đưa vào sử dụng từ ngày 23/11.
Trước diễn biến dịch phức tạp, tung tâm sản xuất phía nam của Quảng Châu – nơi ghi nhận 8.837 ca nhiễm trong ngày 24/11 – cũng có kế hoạch bổ sung gần 350.000 giường để phục vụ bệnh nhân COVID-19. Đến nay, koảng 70.000 giường đã được lấp đầy.