Chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp bắt đầu từ 13/3 đến 7/5/1954. Cuộc tấn công cụm cứ điểm Him Lam (Pháp gọi là trung tâm đề kháng Beatrice) là trận đánh mở màn cho Chiến dịch diễn ra vào đúng ngày này cách đây 70 năm trước.
Ngày 11/3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới các chiến sĩ: "Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự, và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị cũng đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.
Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.
Chúc các chú thắng to.
Bác hôn các chú".
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhanh chóng phổ biến tới mọi cán bộ, chiến sĩ và anh chị em thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Một không khí phấn khởi, thi đua lập công truyền lan tới khắp các trận địa.
Ngày 13/3/1954, sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, quân ta nổ súng tiến công, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nổ phát súng đầu tiên vào cụm cứ điểm Him Lam - một trong những cụm cứ điểm đặc biệt quan trọng của thực dân Pháp tại Điện Biên. Ta lần lượt tiêu diệt gọn cứ điểm này và cứ điểm Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ một trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh.
Chiến thắng Him Lam oanh liệt giáng đòn mạnh vào sự kiêu căng, tự đắc của thực dân Pháp về một "cánh cửa thép" của tập đoàn cứ điểm "bất khả xâm phạm", làm tiền để cho Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Để rồi 17h30 ngày 07/05/1954, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Từ đó, đánh tan nỗ lực kéo dài chiến tranh của quân đội Pháp và sự can thiệp của Mỹ, kết thúc kháng chiến trường kỳ, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Chiến dịch là mốc son chói lọi, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, khi một đất nước thiếu thốn sau độc lập đánh bại một thực dân hùng mạnh, truyền cảm hứng cho các quốc gia bị áp bức đứng lên giải phóng dân tộc. Chiến dịch là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh Nhân dân thần kỳ, xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Trong 170 ngày chuẩn bị và 56 ngày đêm chiến đấu, 261.451 dân công (tương đương 12 triệu ngày công) cùng hơn 20.000 xe đạp thồ; hàng ngàn thuyền mảng, ngựa thồ đã duy trì các tuyến chi viện không ngừng cho tiền tuyến. Với 3 tuyến hậu cần, người dân Việt Nam đã cứu chữa 8.458 thương bệnh binh; bảo đảm 1.200 tấn đạn 1.733 tấn xăng dầu, 14.500 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác. Con số này gấp gần 3 lần dự kiến ban đầu. Với tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, dân và quân Việt Nam đã bền bỉ tìm ra đường, hướng đầy sáng tạo, vượt mọi khó khăn từ thời tiết, địa hình cùng sự chống phá của địch để đảm bảo thắng lợi cho dân tộc.
Cũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Hội Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay) đã xông pha lửa đạn, tham gia hỗ trợ hậu cần, chăm sóc, băng bó vết thương và điều trị cho tận tình cho binh sĩ cả hai chiến tuyến. Sau khi chiến dịch kết thúc, hình ảnh những người phụ nữ nhỏ con khiêng cáng bệnh binh trên những ngọn núi hiểm trở đã trở thành dấu ấn nhân đạo ấn tượng của Việt Nam.
Chiến dịch Điện Biên Phủ chính là biểu tượng của sự dũng cảm và quyết tâm của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến giành lại độc lập và tự do. Chính vì thế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động Chiến dịch "Triệu bước chân nhân ái" hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với mong muốn gợi nhắc và lan tỏa tinh thần đoàn kết, nhân ái cùng sự sáng tạo, quyết tâm, bền bỉ của người Việt Nam.
Chiến dịch "Triệu bước chân nhân ái" sẽ kéo dài 56 ngày đêm từ 25/2 đến 22/4, đặt mục tiêu thu hút 70.000 người tham gia vận động thể thao (đi bộ/ chạy bộ) và ghi chép thành tích qua ứng dụng vRace, đạt 700.000km, tương ứng kinh phí vận động ủng hộ đạt 7 tỷ đồng để xây dựng 7 bếp ăn bán trú cho học sinh vùng cao; hỗ trợ sinh kế bền vững cho 70 gia đình nghèo, tổ chức Chợ Nhân đạo cung cấp nhu yếu phẩm cho 700 gia đình khó khăn, tư vấn và hỗ trợ dinh dưỡng cho 7.000 trẻ em nghèo, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 7.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên.
Mỗi bước chân hướng về Điện Biên là một bước thắp sáng lại lịch sử vẻ vang của dân tộc, đồng thời nối liền sự hỗ trợ nhân ái của cộng đồng với những hoàn cảnh còn khó khăn.
Để tham gia và đóng góp cho chiến dịch, người dân có thể đăng ký theo nhóm hoặc cá nhân tại địa chỉ: https://vrace.com.vn/race/trieu-buoc-chan-nhan-ai hoặc trên ứng dụng vRace và chủ động ghi chép hành trình của mình.
Các cá nhân, tổ nhóm, tổ chức khi tham gia chiến dịch Triệu bước chân nhân ái cùng kể lại câu chuyện lịch sử Điện Biên và viết tiếp những niềm hy vọng mới, lan tỏa tinh thần Việt Nam tích cực, dũng cảm, quyết tâm bằng việc đăng tải những hình ảnh và suy nghĩ của bản thân trong hành trình "hành quân thời bình" (Bài đăng kèm hashtag #hanhquanthoibinh #DienBienanhhung #Vietnamhungcuong #trieubuocchannhanai).
Ngoài ra, cộng đồng có thể ủng hộ cho chiến dịch bằng cách nhắn tin, chuyển khoản trực tiếp.
Lựa chọn 1: Thao tác ủng hộ trực tiếp cho chiến dịch thuận tiện qua các cổng thanh toán, ví điện tử quen thuộc trên Mục Ủng hộ quỹ đặt tại trang web chính thức của chiến dịch tại địa chỉ https://vrace.com.vn/race/trieu-buoc-chan-nhan-ai
Lựa chọn 2: Chuyển khoản ủng hộ tới số tài khoản thiện nguyện minh bạch 2022 tại Ngân hàng Quân đội (MB). Chủ tài khoản là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.