Chợ Nhân đạo được vận dụng tổ chức tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Thời gian tổ chức tối thiểu từ 1-2 ngày; tổ chức nhiều gian hàng với nhiều mặt hàng phục vụ Tết (tối thiểu từ 4-5 gian hàng trở lên). Phiên Chợ được tổ chức phù hợp về quy mô, địa bàn và đối tượng hưởng lợi.
Trong phiên chợ khuyến khích sử dụng các sản phẩm của người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn, hỗ trợ người dân địa phương bao tiêu sản phẩm phù hợp với phiên chợ Tết. Các phiên chợ cần kết hợp hỗ trợ các mặt hàng Tết có trợ giá để phục vụ các đối tượng khác nhau; Đảm bảo công tác vệ sinh, môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon; Khuyến khích sử dụng làn nhựa có dán logo Chữ thập đỏ để người dân tái sử dụng được nhiều lần và tăng cường hiệu quả công tác truyền thông; Trị giá mỗi phiếu mua hàng tối thiểu từ 300.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, các tỉnh có thể tổ chức "Chợ Nhân đạo lưu động" theo hình thức phối hợp với các doanh nghiệp thương mại, siêu thị tổ chức điểm bán hàng lưu động tại những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, điều kiện kinh tế và đi lại còn khó khăn. Để tổ chức phiên Chợ Nhân đạo lưu động, Hội Chữ thập đỏ cơ sở cần khảo sát, phát phiếu thông báo chi tiết các địa điểm dừng xe để giúp người dân đi lại, tham gia phiên chợ được thuận lợi nhất.
Các mô hình Chợ Nhân đạo được tổ chức đồng loạt trong tuần cao điểm từ ngày 22/01/2021 đến ngày 31/01/2021 (tức từ ngày 10/12 đến ngày 19/12 âm lịch).
Trung ương Hội sẽ chỉ đạo và tham dự Hội Chợ Nhân đạo điểm nhằm phát động tuần lễ Chợ Nhân đạo trong toàn quốc tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Bình.
Trung ương Hội cũng chỉ đạo và tham dự Chợ Nhân đạo lưu động hỗ trợ ngư dân vùng biển gồm: (thành phố Hải Phòng); tỉnh Kiên Giang làm tại 2 xã Hòn Tre, Lại Sơn, huyện Kiên Hải (ngày 28,29/01/2021); tỉnh Cà Mau làm tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (ngàỵ 30/01/2021) lồng ghép trong chương trình "Tết hải đảo" của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biến.
Trần Thu Hương