Triển khai chi trả điện tử trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Sáng ngày 30/5, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Ngân hàng Thế giới cùng với Bộ phận Kinh tế và Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam (DFAT) tổ chức Hội thảo “Triển khai chi trả điện tử trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội”. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: Thanh toán điện tử trong thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội là xu thế mà nhiều quốc gia hiện nay đang áp dụng. Thanh toán điện tử giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người thụ hưởng, hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, tiện lợi và về lâu dài giúp họ tiếp cận với các dịch vụ tài chính tốt hơn, công bằng hơn, minh bạch hơn.

ht-btxh-1-1653899391625578521279-1653978067.jpg
Quang cảnh buổi Hội thảo

Tổng chi trả chính sách và các chương trình trợ giúp xã hội ước tính 5 tỉ USD/năm.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết kinh phí chi trả cho lĩnh vực người có công khoảng 35.000 tỉ đồng/năm, lĩnh vực bảo trợ xã hội khoảng 22.000 tỉ đồng/năm, chi trả lương hưu trên 100.000 tỉ đồng/năm... Tổng chi trả chính sách và các chương trình trợ giúp xã hội ước tính 5 tỉ USD/năm.

Hiện nay, nước ta có khoảng 30% dân số là đối tượng cần sự trợ giúp. Trong đó có 11,9 triệu người cao tuổi, khoảng 1,227 triệu hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 6,2 triệu người khuyết tật, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có khoảng 2,23% hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, 3,37% hộ cận nghèo, hơn 3,5 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.

Theo thống kê tính đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là khoảng 16,657 triệu người; BHXH tự nguyện trên 1,338 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp trên 13,537 triệu người; bảo hiểm y tế khoảng 85 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số. Các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng được mở rộng, mức trợ giúp ngày càng cao hơn, đòi hỏi cần phải có công cụ hiện đại hơn trong việc quản lý chính sách và đối tượng tốt hơn.

Mỗi người dân Việt Nam sẽ đều có tài khoản nhận hỗ trợ từ Chính phủ

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), cho hay Bộ Công an và một số bộ ngành như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đang nghiên cứu, xây dựng phương án cấp tài khoản an sinh xã hội cho công dân Việt Nam.

Theo trung tá Vĩnh, tài khoản này đảm bảo chi trả tiền hỗ trợ "đúng người, đúng thời điểm", giảm thiểu thủ tục, đảm bảo giám sát hiệu quả. Công dân chỉ cần nhớ một dãy số duy nhất là mã số định danh cá nhân, đó cũng là số tài khoản ngân hàng phục vụ an sinh xã hội (tài khoản an sinh). Tương lai, số định danh cá nhân còn gắn với số thẻ căn cước công dân, mã số thuế và nhiều giấy tờ khác.

Theo vị này, công dân được quyền lựa chọn tài khoản ngân hàng theo mong muốn, hệ thống định danh và xác thực điện tử cập nhật thông tin tài khoản an sinh công dân qua ứng dụng chuyên biệt, có thể là VNeID. Để thuận tiện cho bà con, phương án được đề xuất là cấp tài khoản an sinh song song với quá trình công dân làm căn cước công dân, định danh điện tử. So với quy định hiện hành, các ngân hàng mở tài khoản an sinh cho công dân theo dữ liệu từ hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu, đại diện Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho rằng mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả an sinh xã hội ở Việt Nam gặp thách thức như đối tượng đa dạng, nhiều người thụ hưởng chính sách ở vùng khó khăn.

Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng chia sẻ những "điểm sáng". Theo thống kê đến hết tháng 3/2022, khoảng 60% trong hơn 1,1 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money là người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Ngoài ra, cuối năm 2021, Việt Nam có 114 triệu tài khoản khách hàng cá nhân, trong đó 66% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ở ngân hàng.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần khuyến khích người dân chi tiêu trên sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh QR code đến tận chợ cóc để bà con thanh toán điện tử khi mua mớ rau, con cá. Để người dân thực sự mua sắm, giao dịch không tiền mặt, cơ quan chức năng cần nghiên cứu chính sách miễn giảm phí tin nhắn di động, giảm cước mạng 3G, đơn giản hóa giao diện Mobile Banking...

Bài học cho Việt Nam

Tại hội thảo, ông Kenichi Nishikawa Chavez, chuyên gia kinh tế cao cấp về an sinh xã hội Ngân hàng Thế giới (World Bank), dẫn chứng Mexico có điểm chi trả tạm thời đặt tại địa phương trong 1 - 2 ngày, tuy vậy cách này gây bất tiện cho người dân.

Trong khi, Bangladesh xây dựng hệ sinh thái chi trả như ngân hàng, đại lý chi trả, điểm thanh toán di động nhưng hạn chế là không phủ sóng tới từng thôn, bản. Còn ở Thái Lan, người dân không mất phí khi rút tiền tại ngân hàng khác.

Từ kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia Kenichi khuyến nghị Việt Nam cần thiết lập nhiều điểm chi trả an sinh xã hội tạm thời tới cấp thôn, bản; hệ thống ngân hàng đảm bảo đủ tiền để người dân rút tiền thuận tiện trong những ngày cao điểm, dịch bệnh như COVID-19; đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản an sinh xã hội và khống chế số lượng tài khoản nhận tiền (tối ưu là 1 tài khoản duy nhất)…

Còn ông Yasser El-Gammal, trưởng ban an sinh xã hội và việc làm khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, cho rằng COVID-19 là phép thử để các nước như Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Tuy vậy, ông cho rằng việc triển khai chi trả điện tử sẽ gặp khó khăn nên Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành cùng Việt Nam. Chẳng hạn, Indonesia, Philippines có nhiều nơi không có cây ATM, địa lý khó khăn nhưng vẫn có thể khắc phục bằng cách thí điểm nhiều lần.

PL