Lễ kỷ niệm 51 năm ngày quốc tế hộ sinh (5/5) và 58 năm ngày quốc tế điều dưỡng (12/5) đã được Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức chiều 5/5, tại Hà Nội.
Phát biểu tại đây, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: điều dưỡng được đánh giá là lực lượng quan trọng trong sự phát triển của ngành y và không thể tách rời, chiếm tới 70% lực lượng phục vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Lực lượng điều dưỡng có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân, hỗ trợ bác sĩ trong công tác điều trị. Thời gian qua chất lượng chăm sóc người bệnh có nhiều chuyển biến thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh.
Ông cũng chia sẻ ấn tượng với hình ảnh trong đại dịch COVID-19, những người nữ hộ sinh vừa giúp đỡ đẻ, chăm sóc các bà mẹ, rồi cũng chính là những "người mẹ" chăm sóc các em bé sau sinh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê đánh giá trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đội ngũ điều dưỡng viên và nữ hộ sinh góp phần vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, trong đó giảm được 3/4 số trường hợp người mẹ tử vong và giảm 2/3 số trẻ em tử vong so với năm 1990.
Chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Ông Đinh Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, mạng lưới hộ sinh Việt Nam rất phát triển. Từ chỗ chỉ có các bà đỡ dân gian, hầu như không được đào tạo, hành nghề theo lối truyền tay, mẹ dạy cho con, bà dạy cho cháu để đỡ đẻ, đến ngày nay, chúng ta có đội ngũ hộ sinh có thể nói rất hùng hậu. Hiện Việt Nam có trên 27.000 hộ sinh các cấp, được đào tạo các kiến thức khoa học bài bản, được thực hành kỹ trong bệnh viện trước khi ra hành nghề.
Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em nhấn mạnh: Đội ngũ hộ sinh đóng góp rất nhiều trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Việt Nam là một trong những quốc gia được quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ và giảm tử vong trẻ em. Chúng ta đã giảm 3/4 số tử vong bà mẹ, giảm 2/3 số tử vong trẻ em so với năm 1990.
"Có được thành tựu này, đóng góp của nữ hộ sinh là rất lớn. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em không chỉ giới hạn ở vấn đề đỡ đẻ mà nhiều vấn đề khác: Chăm sóc trước, trong mang thai, chăm sóc trẻ sơ sinh, ngoài ra phòng chống bệnh đường sinh sản, chăm sóc, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung…"- ông Đinh Anh Tuấn nói.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương (đứng giữa) tặng hoa tri ân các điều dưỡng, nữ hộ sinh
PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, gần 100% điều dưỡng trưởng của các Khoa, Phòng, Trung tâm tại bệnh viện này là nữ, cùng đó lực lượng nữ hộ sinh là "nữ anh hùng thầm lặng" bởi những đóng góp thầm lặng nhưng không thể thiếu của họ trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, 1 điều dưỡng viên hiện đang đảm nhiệm tới 4 người bệnh nhưng các nhân viên y tế vẫn luôn nỗ lực, tận tâm để chăm sóc sức khỏe cho các trẻ sơ sinh, non tháng, những sản phụ, người bệnh.
"Cùng với các y bác sĩ và lực lượng lao động khác của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đội ngũ điều dưỡng, nữ hộ sinh đã cùng góp sức, cống hiến cho thành công của bệnh viện trong công tác khám chữa bệnh, ứng dụng, triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao chuyên ngành sơ sinh và sản phụ khoa, phòng chống dịch, chỉ đạo tuyến cho tuyến dưới" - Giám đốc Trần Danh Cường nói.
Điều dưỡng, nữ hộ sinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc trẻ sơ sinh
Thái Bình