Bình Dương: Tranh chấp lao động tập thể xu hướng tăng

Nguyễn Hồng Hạnh
Từ đầu năm 2022 đến nay, Bình Dương xảy ra 18 vụ tranh chấp lao động tập thể, tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ, có trên 1,2 triệu lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm 85%. Hai năm qua, dịch bệnh đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, thu nhập và đời sống của người lao động cũng bị giảm sút. Ở nhiều doanh nghiệp bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn về lợi ích và quy định mới giữa doanh nghiệp với người lao động.

cong-nhan-dinh-cong-1654960840.jpg
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra 18 vụ tranh chấp lao động tập thể

Ông Đặng Tấn Đạt - Phó Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tại 18 doanh nghiệp, tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó 17 vụ xảy ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 1 vụ xảy ra tại doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước với tổng số lao động tham gia là 10.629 người. Các vụ tranh chấp xảy ra chủ yếu ở ngành gỗ (9/18 vụ).

Bên cạnh tranh chấp lao động tập thể, tranh chấp giữa cá nhân lao động với người sử dụng lao động cũng có xu hướng tăng.

Theo Trung tâm Tư vấn Pháp luật Công đoàn Bình Dương, chỉ riêng đơn vị trong 2 năm gần đây đã tiếp nhận và tư vấn hỗ trợ 7.438 cuộc với 9.255 người lao động. Đơn vị, còn hỗ trợ soạn thảo hơn 300 các loại đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân khiếu nại, tố cáo, khởi kiện gửi doanh nghiệp liên quan các vấn đề tranh chấp xảy ra chủ yếu liên quan đến tiền lương, đơn phương chấm dứt HĐLĐ, BHXH, tai nạn lao động và các vấn đề khác.

Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết, nguyên nhân khiến tranh chấp lao động tập thể có xu hướng tăng do hành vi vi phạm pháp luật của cả phía doanh nghiệp và người lao động. Một số doanh nghiệp không chấp hành đúng pháp Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội dẫn đến quyền lợi của người lao động chưa được bảo đảm.

Về phía người lao động, đa phần là đấu tranh đòi các quyền và lợi ích hợp pháp như tăng lương, các chế độ phúc lợi. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ tranh chấp lao động xảy ra do sự thiếu hiểu biết của người lao động về các quy định liên quan đến pháp luật lao động, việc làm, hay do bị kích động, lôi kéo.

Tranh chấp lao động xảy ra ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương, gây thiệt hại cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Doanh nghiệp không tổ chức được sản xuất khiến đơn hàng bị chậm; người lao động thì bị mất việc, giảm sút thu nhập, ảnh hưởng cuộc sống.

Để hạn chế tình trạng này, ông Nguyễn Đình Khánh - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết: Các ngành đang đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Từ đó, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh xử lí nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật lao động. Công đoàn cấp trên cũng khuyến khích công đoàn cơ sở phối hợp với chủ doanh nghiệp duy trì tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc.

“Thông qua tổ chức tốt đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp, nhiều kiến nghị của người lao động được tiếp thu, giải quyết kịp thời. Từ đó, kéo giảm tranh chấp lao động, đình công, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp theo Chỉ thị 22 của Ban Bí thư Trung ương Đảng”, ông Khánh nói.

Hà Phương