Nghề dạy trẻ như làm dâu trăm họ
Nhiều người nghĩ rằng làm nghề giáo viên mầm non thoải mái và tự do, nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Ngày nay, một giáo viên mầm non phải tu dưỡng mọi kỹ năng khi vừa là người đầu tiên dạy trẻ các kỹ năng sống, năng khiếu về hội họa, thẩm mỹ, thể dục thể chất…
Bên cạnh đó, giáo viên Mầm non còn là một chuyên gia tâm lý, là người nghiên cứu hành vi hàng ngày của trẻ để mỗi trẻ có hướng chăm sóc, giáo dục tốt nhất. Công việc của giáo viên mầm non không chỉ dạy, mà còn phải dỗ trẻ, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc trẻ bằng tình yêu của người mẹ dành cho những đứa con của mình. Thế nhưng, giáo viên lại còn đối mặt với rất nhiều áp lực, chỉ một xây xước nhỏ khi vui đùa của các con, có thể sẽ bị phụ huynh phản ứng…
Để lo cho từng bữa ăn giấc ngủ của trẻ, giáo viên mầm non phải chịu rất nhiếu áp lực, đặc biệt là đối với các trẻ biếng ăn, hiếu động. Các cô giáo chia sẻ: “Để đón các cháu chúng tôi phải đến từ rất sớm, có khi còn chưa kịp ăn sáng, những cô chưa lập gia đình thì còn đỡ chứ các cô đã có gia đình mà con còn nhỏ thì càng vất vả hơn, nhiều khi con mình ốm đau cũng không chăm được. Buổi trưa cũng không hề được nghỉ ngơi bởi chỉ cần một sơ sẩy nhỏ cũng bị mang tiếng không chăm cháu, cũng bị phụ huynh xỉ vả. Buổi tối có khi đến tối mịt mới về đến nhà vì có người đón con muộn. Có khi về tới nhà chúng tôi mệt lả vì cả ngày vật lộn với các cháu.
Nhưng đó cũng là những công việc thường ngày của chúng tôi, nên dù khó khăn vất vả mấy thì chúng tôi cũng cố gắng hoàn thành. Chỉ đáng buồn là hiện nay do xã hội ngày càng phát triển một số phụ huynh hầu như giao khoán con cái họ cho nhà trường, một số phụ huynh quá nuông chiều con nên xem chúng tôi như là ôsin nhà họ. Chỉ cần một vết xây xát nhỏ là họ đã cho rằng chúng tôi không chăm sóc kỹ các cháu, không quan tâm hay đánh đập các cháu. Nhiều khi chúng tôi cảm thấy buồn và áp lực lắm nhưng nhìn nụ cười của con trẻ đã trở thành động lực cho chúng tôi phấn đấu, gắn bó với nghề”.
Đó là những khó khăn của giáo viên vùng đồng bằng, còn những giáo viên mầm non vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn lại càng vất vả hơn. Có cô đi gần trăm cây số mới đến được trường, có cô phải vào cắm ở các bản xa xôi, đường đi lại khó khăn. Những lúc lên trường các cô phải mang theo cơm gạo, mắm muối để dùng cho cả tuần. Mỗi khi, trời mưa bão nước ở các khe suối lên cao, các cô phải nhờ sự giúp sức của người dân mới đến được điểm trường của mình dạy. Buổi sáng các cô phải vào từng nhà vận động bố mẹ cho các em đi học, phải chở các em đến lớp, tan học phải chở các em về nhà. Đã vậy, nhiều phụ huynh cũng không muốn cho con em mình đến trường. Các em đến trường nhiều khi không có áo quần để mặc các cô lại về xuôi quyên góp những bộ áo quần cũ rồi đem lên cho các em.
Lên dạy vùng sâu, vùng xa có khi cả tháng mới về nhà được một lần, con cái đành để lại nhờ ông bà chăm, có những hôm thương con, các cô chỉ biết khóc thầm. Điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, lớp học là những căn nhà tạm bợ được ngăn đôi vừa làm phòng học và phòng ở cho giáo viên. Đồ dùng đồ chơi các cô tìm kiếm các phế liệu bỏ đi, tự sáng tạo ra các vật dụng đồ chơi cho các cháu. Vất vả là thế, nhưng các cô vẫn luôn nở nụ cười, vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ
Điều mà các cô dạy trẻ luôn canh cánh trong lòng là vấn đề đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Từ việc chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ hoặc lúc các bé đột nhiên ốm… các cô đều phải theo dõi sát sao. Bên cạnh áp lực trông trẻ, các cô giáo còn phải “mớm” cho trẻ những kiến thức đầu đời. Vừa dạy các trẻ múa hát, kể chuyện, dỗ các cháu ngủ, làm vệ sinh… Các cô còn phải tham gia các hội thi, thao giảng mà nhà trường và các cấp đề ra. Tôi chợt nghĩ giáo viên mầm non như một diễn viên xiếc thực thụ.
Nghề giáo viên mầm non vất vả là vậy nhưng lại có mức thu nhập chưa thật tương xứng. Vất vả là vậy nhưng lương của người giáo viên mầm non theo mặt bằng chung hiện nay không hề cao, thậm chí không hề tương xứng với trách nhiệm và công sức mà họ đã bỏ ra. Cho dù hiện nay nhà nước cũng đã quan tâm đến mức lương của giáo viên mầm non nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hiện nay khi mà đời sống ngày một tăng cao. Các cô giáo đang còn gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.