Trái Đất nóng lên biến mưa tuyết lớn ở vùng núi thành mưa cực đoan

Nguyễn Diệp Linh
Sử dụng phép đo mưa, tuyết kể từ 1950 và mô phỏng trên máy tính về khí hậu tương lai, các nhà khoa học phát hiện nhiệt độ Trái Đất cứ tăng 1 độ C thì lượng mưa cực đoan tại khu vực miền núi tăng 15%.

Người dân di chuyển tại khu vực ngập lụt ở bang Assam, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân di chuyển tại khu vực ngập lụt ở bang Assam, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Kết quả nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Nature ngày 28/6 cho biết việc Trái Đất nóng lên đang biến một số trận mưa tuyết lớn ở vùng núi thành những cơn mưa cực đoan và bằng cách nào đó làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt nguy hiểm như đã xảy ra và tàn phá Pakistan hồi năm ngoái, đồng thời gây thiếu nước trong dài hạn.

Các nhà khoa học đã sử dụng các phép đo mưa, tuyết kể từ năm 1950 và mô phỏng trên máy tính về khí hậu tương lai. Họ phát hiện ra rằng nhiệt độ Trái Đất cứ tăng 1 độ C thì lượng mưa cực đoan tại khu vực miền núi tăng 15%.

Theo các nhà nghiên cứu, mưa lớn ở vùng núi gây ra nhiều vấn đề hơn là mưa tuyết, như lũ lụt, lở đất và xói mòn. Hơn nữa, băng tuyết có thể giúp tăng lượng nước tại các hồ chứa vào mùa Xuân và mùa Hè trong khi nước mưa không thể "cất giữ" hay "để dành."

Nhà Thủy văn học và Khoa học khí hậu Mohammed Ombadi thuộc Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley của Mỹ, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, cho rằng đây không chỉ là vấn đề xa vời được dự đoán sẽ xảy ra trong tương lai mà dữ liệu thu thập được trong vài thập niên qua cho thấy tình trạng trên thực sự đã diễn ra.

Theo ông Ombadi, khi nhiệt độ Trái Đất đã tăng lên gần sát mức 1,5 độ C mà cộng đồng quốc tế nhất trí là ngưỡng để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, nghiên cứu này cho thấy nhiệt độ Trái Đất cứ tăng 1 độ C thì mức tăng lượng mưa ở vùng núi cao gấp đôi mức tăng lượng mưa ở phần còn lại của thế giới do không khí ấm hơn giữ nhiều nước hơn.

Nghiên cứu trên chỉ theo dõi những trận mưa lớn nhất hàng năm trong 6 thập niên qua ở Bắc Bán cầu và phát hiện ra rằng những khu vực càng cao, lượng mưa cũng tăng theo. Lượng mưa tăng cao nhất được ghi nhận ở độ cao 3.000 mét, trong đó có khu vực miền Tây nước Mỹ, nhiều khu vực ở dãy núi Appalachian, và ở châu Á có dãy núi Himalayas, núi Thiên Sơn, núi Hindu Kush, và ở châu Âu có dãy Alps.

Theo ông Ombadi, cứ 4 người trên Trái Đất thì có 1 người sống ở khu vực miền núi và hứng chịu mưa cực đoan, lũ lụt. Ông cho rằng tình trạng lũ lụt giống như đã xảy ra ở Pakistan khiến hơn 30% diện tích đất nước chìm trong nước và hơn 1.700 người thiệt mạng hồi năm ngoái sẽ xảy ra nhiều hơn. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các nhà khoa học chưa nghiên cứu kỹ trận lũ năm 2022 tại Pakistan do đó có thể có một số khác biệt nhỏ.

Ông Ombadi cho biết thêm lũ lụt cũng có thể ảnh hưởng đến sản xuất lương thực. Ông dẫn số liệu của bang California cho thấy những trận mưa xối xả năm 1997 đã gây thiệt hại mùa màng và gia súc lên đến 89 triệu USD. Về lâu dài, một vấn đề khác nữa là nguồn nước.

Tuyết thường rơi dày vào mùa Đông và lượng tuyết đó sẽ tan chậm vào mùa Xuân và mùa Hè, giúp làm đầy các hồ chứa nước có thể sử dụng đến khi cần thiết.

Nhà Thủy văn học Charuleka Varadharajan, đồng tác giả nghiên cứu trên, cho rằng lượng tuyết giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung nước trong tương lai.

Theo bà, dòng chảy ngắn hạn sẽ xuất hiện nhiều hơn dẫn đến khả năng lũ lụt cao hơn trong khi lượng tuyết vốn là nguồn bổ sung nước ngầm bị giảm đi. Khi mưa, nước sẽ thấm xuống đất hoặc chảy tràn trên mặt đất tạo nên dòng chảy bề mặt. Dòng chảy bề mặt di chuyển nhanh về phía các rãnh kênh là yếu tố chính tạo nên hiệu ứng dòng chảy ngắn hạn.

Quản lý nguồn nước cũng trở thành một vấn đề được lưu ý. Nhà Thủy văn học Park Williams thuộc Đại học California (UCLA), người không tham gia nghiên cứu trên, cho rằng trong thời kỳ hạn hán, các nhà quản lý nước muốn duy trì mực nước cao trong các hồ chứa nước, điều mà họ có thể làm khi các lớp tuyết dày vì tuyết tan chậm. Nhưng họ không thể làm điều đó khi lượng mưa lớn.

Theo chuyên gia này, khi hiện tượng Trái Đất ấm lên gây ra nhiều mưa hơn, xã hội sẽ phải lựa chọn hoặc là tiết kiệm nước do lượng nước trong các hồ chứa cần duy trì ở mức thấp để có thể ứng phó trong trường hợp dòng chảy lớn đột ngột xuất hiện vì mưa to ở khu vực miền núi; hoặc là xây dựng những hồ chứa mới tốn kém hơn./.

Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)