Trách nhiệm của Doanh nhân trẻ: Cần mạnh dạn khởi nghiệp với các mô hình mô hình mới

Tạp Chí Nhân Đạo
Đó là quan điểm chung của hầu hết doanh nhân trẻ (DNT), thanh niên, sinh viên hiện nay khi bắt đầu khởi nghiệp và dấn thân vào con đường kinh doanh đầy chông gai.

Kinh doanh cũng như một “cuộc đua”, mà người chiến thắng phải biết tận dụng tối đa thế mạnh của mình để “về đích” sớm. Trong những lợi thế đó: sức trẻ, sự năng động chính là chìa khóa để các DNT thành công. 

HINH 1
Doanh nhân Nguyễn Văn Thanh Bình nhận Giải thưởng Thanh niên Khởi nghiệp tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bắt đầu khởi nghiệp cũng chính là lúc các DNT chính thức bước vào “cuộc chiến” khắc nghiệt, đầy khó khăn thử thách với biết bao kế hoạch để làm thế nào đạt được những ước mơ, hoài bão của mình. Điểm tựa và cũng là động lực lớn nhất của những DNT chính là sức trẻ, sự năng động cùng với những “chiến hữu” là những cán bộ, nhân viên trẻ không quản ngày đêm  cùng chung tay xây dựng và phát triển các sản phẩm của công ty mình.

DNT Nguyễn Văn Thanh Bình (SN 1991 tại Huế) – Giám đốc Công ty TNHH Thương hiệu và Đồng phục Lion (trụ sở tại 22 Nguyễn Lương Bằng,TP Huế) chính là một trong những ví dụ điển hình của sức trẻ, sáng tạo và đầy năng động.

Mặc dù mới được thành lập vào tháng 4/2016 và trải qua một khoảng thời gian ngắn hoạt động không hiệu quả và nhận thấy chiến lược đó không mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Do đó, để nâng cao tính chủ động trong công việc, tăng hiệu suất và năng lực của nhân viên, anh Bình đã chuyển hướng và quyết định “nhập khẩu” mô hình KPI (Key Performance Indicator - Chỉ số đo lượng hiệu suất) của Mỹ vào hoạt động kinh doanh. Nhờ đó áp dụng mô hình KPI mà hiệu quả kinh doanh thay đổi và tăng nhanh rõ rệt. 

Xuất phát từ con số 0 tròn trĩnh nhưng sau 12 tháng hoạt động, doanh thu trung bình của Công ty Lion đạt trung bình khoảng 500 triệu đồng/tháng và được xem là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế về nhận diện thương hiệu và may đồng phục. Doanh số này không nhiều, nhưng với vị doanh nhân trẻ mới bắt đầu khởi nghiệp được hơn một năm lại là con số mơ ước của không ít doanh nghiệp khác. Mặc dù chỉ chuyên kinh doanh trong hoạt động Nhận diện thương hiệu và may đồng phục cho các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị… nhưng đó là cách làm mà không phải vị doanh nhân nào cũng có thể làm được.

Anh Nguyễn Văn Thanh Bình cho biết: Để đạt được thành công hiện tại là nhờ sự đoàn kết, quyết tâm và nỗ lực chủ động của toàn thể cán bộ, nhân viên công ty. Với thế mạnh là sức trẻ, chúng tôi có cả một chặng đường dài để cống hiến cho xã hội – Đó là một phần trách nhiệm không chỉ riêng cá nhân mà là trách nhiệm chung của toàn bộ giới trẻ nói chung và các doanh nghiệp trẻ nói riêng đối với xã hội.

Ở một khía cạnh khác, anh Nguyễn Đình Thuận – Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đại Bàng – Eagle Tourist (Trụ sở tại 115 đường Phạm Văn Đồng, TP.Huế) cũng được xem là một “ngôi sao sáng” trong ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh năm 1989 và tốt nghiệp khoa Lịch Sử (Đại học Khoa học Huế), nhưng ngay từ khi rời ghế nhà trường, anh đã đam mê với kinh doanh và quyết tâm vận dụng kiến thức Lịch sử của mình để khởi nghiệp với lĩnh vực du lịch. Trong gần 5 năm hoạt động, Du lịch Đại Bàng đang được xem là một trong những con chim đầu đàn trong hoạt động tour du lịch tại Huế.

HINH 4
HINH 3
Mô hình của tour Du lịch hoàng hôn trên phá Tam Giang của Doanh nhân trẻ Nguyễn Đình Thuận.

Chưa dừng lại ở đó, với sự năng động, tạo báo và tầm nhìn “đi trước, đón đầu”, mới đây, anh Thuận đã chọn một loại hình đầu tư du lịch mà hiện tại chưa có doanh nghiệp nào ở Huế dám làm – Đó là du lịch trên phá Tam Giang. Với việc hình thành Tour “Hoàng hôn trên phá Tam Giang” cùng với việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất như nhà chòi, tắm lặn, thưởng ngoạn thuyền trải nghiệm đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang… Công ty Du lịch Đại Bàng đang tạo nên dấu ấn đột phá trong hoạt động du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Anh Thuận cho biết: Với lợi thế là tuổi trẻ, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận thất bại để được cống hiến và thực hiện đam mê của mình trong kinh doanh. Việc được đầu tư và xây dựng Tour Du lịch khám phá đầm phá Tam Giang là niềm vui vì được góp phần gia tăng thêm sản phẩm du lịch của Huế, đồng thời cũng là trách nhiệm của những doanh nghiệp làm du lịch đối với xã hội.

Đồng quan điểm trên, anh Lương Văn Nghiệp (SN 1984, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam - chủ nhà hàng nổi Khởi Nghiệp) khi nói về phương hướng làm kinh tế của giới trẻ hiện nay, anh cho hay: Tuổi trẻ cần phải mạnh dạn khởi nghiệp với những mô hình mới và chấp nhận đương đầu với khó khăn, thất bại.

Có lẽ vì thế mà mặc dù đang làm việc tại TP.Đà Nẵng nhưng anh Lương Văn Nghiệp vẫn luôn đau đáu những suy nghĩ hướng về nghề truyền thống “ngư dân bám biển” của người con xứ Quảng để làm một việc gì đó vừa mới lạ, vừa kế được nghiệp cha anh, góp sức cho quê hương, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động đang không có việc làm, cũng như những người ngư dân trong việc đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra môi trường kinh doanh mới mẻ, năng động và có nhiều đột phá, thu hút khách du lịch, góp phần tăng trưởng nền kinh tế, du lịch và dịch vụ của địa phương.

Từ khi có ý tưởng đó, anh lựa chọn bắt đầu từ mô hình nhà hàng nổi, một mô hình mới và chưa phát triển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Lúc mới bắt đầu, anh Nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển vật tư xây dựng. Anh tìm mua, chọn lọc những vật liệu (chủ yếu là gỗ) có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn từ Đà Nẵng, Lý Sơn (Quảng Ngãi) và một số nơi khác để vận chuyển về Quảng Nam. Sau đó, anh đi tìm và tập hợp một đội thợ có kinh nghiệm chuyên thi công nhà hàng nổi để thực hiện.

Nhà hàng nổi Khởi Nghiệp (Khối 3, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) ra đời từ đó. Với không gian thoáng mát, yên tĩnh, môi trường trong lành, sạch đẹp và nguồn thực phẩm tươi sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy mới đưa vào hoạt động chưa đầy một tháng, nhưng với những lợi thế như mô hình mới lạ, không gian thoáng mát, thực phẩm ngon, tươi, sạch… nhà hàng đã thu hút được những lượng khách đông đảo bao gồm người dân địa phương và nhiều du khách đến từ các địa phương khác. Cũng theo anh Nghiệp, nhà hàng nổi của anh đã, đang và sẽ góp phần hữu ích trong việc tiêu thụ sản phẩm cho nghành ngư nghiệp, tạo thêm động lực cho những người ngư dân yên tâm ra khơi, vững chắc tay chèo bám biển.

Thời gian vừa qua, anh Nghiệp cũng là người rất tích cực trong việc tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Hiện tại, anh Nghiệp đã thành lập một nhóm từ thiện lấy tên là Khởi Nghiệp, mở thùng từ thiện ngay tại quán để đón nhận lòng hảo tâm của khách hàng, đồng thời sẽ trích một phần lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh nhà hàng để làm những việc thiện nguyện, giúp đỡ và chia sẻ cùng những hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn trong cuộc sống và xem đó như là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.