Câu chuyện thoát nghèo của ấp Trà Kim
Cách đây hơn 10 năm, vào mùa nắng nếu ai đó một lần đến vùng đất Trà Kim, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang nơi có hơn 95% đồng bào Khmer sinh sống, có lẽ ấn tượng đầu tiên sẽ là vùng đất cát khô cằn trắng xóa, ruộng đồng nứt nẻ bỏ hoang; những ngôi nhà lá tạm bợ vắng bóng người.
Thế nhưng, những năm gần đây, từ những chuyển đổi trong cơ cấu sản xuất, Trà Kim ngày nay nhựa hóa những con đường, căn nhà lá thay bằng nhà tường kiên cố và vùng cát pha hồi sinh bằng cánh đồng ớt chỉ thiên.
Chia sẻ về câu chuyện thoát nghèo của ấp Trà Kim, ông Thạch Cham Pa - Trưởng ban Nhân dân ấp Trà Kim không quên nhắc đến tên ông Thạch Ngọc Đạt - đảng viên tiên phong trong việc đưa cây màu xuống chân ruộng và hành trình vượt khó, thoát nghèo.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất khó, cũng như bao nông dân khác, gia đình ông Thạch Ngọc Đạt từng chạy cơm từng bữa lo 05 nhân khẩu. Tuy có đất, nhưng mùa màng thất bát nên cái nghèo cứ đeo bám. Năm 2010 sau khi được địa phương tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ ấp Trà Kim, điều trăn trở đầu tiên của ông Đạt là tỷ lệ hộ nghèo của ấp quá cao (chiếm gần 90%) so với tổng số hộ chung, trong số đó có gia đình ông.
Trên vùng đất cằn cỗi, thiếu nước vào mùa khô, không thể mang lại năng suất cao cho cây lúa truyền thống, mặc dù nông dân Thạch Ngọc Đạt đã nghĩ ra phương án đào giếng, sử dụng tấm lót bạc trữ nước nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn nước.
Năm 2012, sau khi được tham quan mô hình trồng ớt chỉ thiên ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, do Hội Nông dân xã Thuận Hòa tổ chức, tôi thấy mô hình này thích nghi với điều kiện tự nhiên tại địa phương nên về trồng thử nghiệm trên 01 công đất ruộng bỏ hoang. Vụ đầu tiên thất bại do chưa áp dụng đúng kỹ thuật trồng. Không bỏ cuộc, tôi tìm đến cán bộ nông nghiệp xã để tư vấn cho vụ sau.
Ông Thạch Ngọc Đạt nghiệm ra, trước khi trồng ớt, cần cày xới đất cho tơi xốp, phơi đất từ 10 - 15 ngày và làm sạch cỏ, bón lót phân, sau đó tiến hành lên luống cao khoảng 35cm. Mỗi luống rộng 65cm để cây phát triển chắc khỏe cho trái sai. Địa điểm trồng ớt cũng phải bảo đảm thoát nước tốt, mùa mưa ớt ngập úng rất dễ thối rễ, chết cây, nên luống ớt phải cao và sử dụng màng phủ. Sau 90 ngày chăm sóc, cuối cùng ớt cho thu hoạch và năng suất cao ngoài mong đợi, lợi nhuận cao gấp 04 - 05 lần so với trồng lúa.
Phấn khởi trước những thành quả ban đầu về mô hình trồng ớt chỉ thiên của gia đình mình, ông Thạch Ngọc Đạt bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo cho người dân trong và ngoài ấp. Ông kết hợp với chính quyền địa phương mời bà con tham quan mô hình và so sánh về hiệu quả kinh tế giữa trồng ớt và cây lúa truyền thống.
Ông Thạch Ngọc Đạt nhớ lại: vụ ớt đầu tiên thành công, nhiều bà con mong muốn chuyển đổi diện tích từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ớt, thế nhưng vốn đầu tư cho mô hình vẫn là nỗi lo lớn của nhiều hộ gặp khó khăn, nên bà con e ngại. Thấy vậy, tôi vận động một vài hộ gần nhà làm thử và hứa cho mỗi hộ mượn từ 01 - 02 triệu đồng để lên liếp, cày ải đất, mua phân bón, còn giống ớt do Công ty ở huyện Củ Chi hỗ trợ. Ngoài ra tôi còn kết hợp với Hội Nông dân xã Thuận Hòa thành lập Tổ hợp tác trồng ớt chỉ thiên để bà con được vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn cho đến kỹ thuật trồng và đầu ra ổn định do được Công ty ở huyện Củ Chi nhận bao tiêu sản phẩm, nhiều hộ dân ở ấp Trà Kim an tâm cải tạo đất, lên liếp trồng ớt chỉ thiên. Ông Thạch Phi Rum, ấp Trà Kim cho biết: sau nhiều lần được ông Đạt vận động và hướng dẫn tận tình, tôi quyết định không đi làm phụ hồ ở Thành phố Hồ Chí Minh để về quê lập nghiệp. Gia đình tôi nghèo không có đất, nên được ông Đạt giới thiệu cho thuê 02 công đất gần nhà để trồng ớt chỉ thiên. Lúc đầu trồng, ông Đạt tận tình hướng dẫn kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm, ngoài ra ông còn hỗ trợ cho mượn vốn để mua phân, thuốc. Nhờ ớt chỉ thiên mà gia đình tôi thoát nghèo cuối năm 2020.
Từ hiệu quả của mô hình trồng ớt chỉ thiên của gia đình ông Thạch Ngọc Đạt, đến nay có khoảng 50 hộ dân ở ấp Trà Kim đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả, tận dụng đất xung quanh nhà, đất cặp bờ kênh để trồng ớt, trên tổng diện tích hơn 20ha.
Ông Thạch Cham Pa cho biết thêm: những năm qua, nhiều nông dân ở đây xem cây ớt chỉ thiên là một trong những cây trồng chủ lực, được lựa chọn vào danh sách “cây thoát nghèo”. Tính từ năm 2012 đến nay, từ khi có mô hình trồng ớt chỉ thiên, hàng năm ở ấp có từ 16 - 21 hộ thoát nghèo.
Những mô hình sáng tạo, hiệu quả
Từ năm 2007, sau khi học lớp khuyến nông của huyện, bà Diệp Thị Trang ở xã Đại An, huyện Trà Cú đã mở 17 lớp dạy nghề đan lát hàng thủ công mỹ nghệ cho chị em trong thôn. Giờ, tổ hợp tác của bà có 87 chị em tham gia với những sản phẩm không đủ để bán và xuất khẩu. Những đôi bàn tay thoăn thoắt của các bà, các chị trong tổ hợp tác đã làm ra nhiều sản phẩm mô phỏng vật dụng trong nhà, nông cụ sản xuất như ấm chén, nơm, đó... thu nhỏ dể bán cho khách du lịch.
“Chị em vừa làm việc nhà, vừa đan lát thêm cũng kiếm được từ 100-120 ngàn đồng/ngày. Mỗi tháng, tổ hợp tác của chúng tôi sản xuất được khoảng 1.500 bộ sản phẩm mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu” - bà Trang, tổ trưởng Tổ hợp tác cho hay.
Còn tại HTX Phú Cần, huyện Tiểu Cần, với mô hình cánh đồng mẫu lớn, 110 hộ dân đã “góp gạo thổi cơm chung” từ 15 năm nay. Cánh đồng mẫu lớn có diện tích 110ha với lợi ích hơn hẳn cách làm cũ, manh mún, nhỏ lẻ. Toàn bộ kênh dẫn nước đến cánh đồng được Nhà nước hỗ trợ. Toàn bộ giống lúa được HTX cung cấp và sản phẩm làm ra được HTX bao tiêu. Ông Thạch Xê - nông dân HTX Phú Cần cho biết: Gia đình ông có 1,5ha. Khi tham gia cánh đồng mẫu lớn, lúa cho thu hoạch 3 vụ, thay vì 2 vụ như cách làm cũ. Thu nhập từ lúa kết hợp với chăn nuôi bò, gia đình ông thu nhập mỗi năm cũng được từ 90-100 triệu đồng. Thành công từ mô hình cánh đồng mẫu lớn, tới đây, ngoài HTX Phú Cần, huyện Tiểu Cần sẽ thành lập thêm một HTX nữa để nông dân sản xuất lúa theo quy mô lớn. Đó là hướng thoát nghèo bền vững.
Phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer
Từ năm 2011, Tỉnh ủy Trà Vinh bắt đầu ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer và nhiều chủ trương, chính sách nhằm huy động các giải pháp và nguồn lực xã hội cho mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer. Tỉnh đã tập trung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên những công trình, dự án có tác động đến phát triển đời sống vùng tập trung đồng bào Khmer. Ðồng thời, tỉnh thực hiện xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa và môi trường; đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào Khmer để tạo việc làm, thu nhập ổn định.
Ngoài việc ban hành 04 Nghị quyết chuyên đề về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer, Tỉnh ủy Trà Vinh còn đưa nội dung công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc vào văn kiện đại hội Đảng qua các kỳ Đại hội đảng bộ tỉnh.
Ông Kim Hồng Danh - nguyên cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cảm nhận rất rõ hiệu quả từ những chính sách đặc thù của Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc, trong đó có Nghị quyết của Tỉnh ủy Trà Vinh dành cho người Khmer.
Ông Danh chia sẻ: “Giờ, đi vào vùng đồng bào Khmer, nhà lá hầu như không còn. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Khi tôi còn công tác, tôi đến một ấp, có thể có 20 hộ nghèo, rất nghèo. Nhưng nay quay lại, vùng đó chỉ còn 3-5 hộ nghèo. Đời sống của đồng bào Khmer chưa hẳn đã giàu nhưng khoảng cách chênh lệch so với đồng bào Kinh hay Hoa ở Trà Vinh đã được rút ngắn rất nhiều...”.
Tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là mục tiêu mà tỉnh Trà Vinh hướng tới nhằm tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào Khmer. Theo đó, địa phương này phấn đấu đến năm 2030 có 60% xã có đông đồng bào Khmer đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, cơ bản không còn huyện, xã, ấp đặc biệt khó khăn.