Ngày 20/10, tại buổi họp báo định kỳ của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, liên quan đến vấn đề sức khỏe của nữ bệnh nhân đậu mùa khỉ thứ 2, nhất là mối liên hệ với bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết theo tờ khai, 2 ca mắc đậu mùa khỉ ở cùng nhà tại Dubai.
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, nữ bệnh nhân đầu tiên du lịch tại Dubai từ tháng 7/2022, đến ngày 22/9 về lại Việt Nam. Còn bệnh nhân thứ hai mắc đậu mùa khỉ là phụ nữ 38 tuổi, quê Tuyên Quang, đi du lịch tại Dubai từ ngày 29/9 đến ngày 18/10.
Bệnh nhân thứ hai bắt đầu có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ từ ngày 11/10 với sốt kèm mệt mỏi, buồn nôn và xuất hiện các mụn mủ rải rác trên cơ thể. Nữ bệnh nhân này sau khi phát hiện triệu chứng thì dự định về nước.
Điều đáng ghi nhận chính là người bệnh này và người bệnh mắc đậu mùa khỉ đầu tiên (nay đã khỏi bệnh) đã có thời gian ở cùng nhà, sinh hoạt chung và khi biết người bạn có các triệu chứng tương tự, người mắc đậu mùa khỉ đầu tiên đã kịp thời thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) biết để hỗ trợ cách ly chẩn đoán và điều trị.
Ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin sau khi nhận được thông tin về hành khách trên chuyến bay nhập cảnh từ Dubai có yếu tố dịch tễ và triệu chứng nghi mắc đậu mùa khỉ, lực lượng kiểm dịch viên y tế (thuộc HCDC) tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp với Đội y tế khẩn nguy sân bay tiếp cận người bệnh ngay khi máy bay vừa hạ cánh và đưa vào khu vực riêng để thực hiện khám sàng lọc và khai thác các yếu tố dịch tễ.
“Do bệnh nhân được cách ly tại sân bay Tân Sơn Nhất nên không tiếp xúc với ai trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng là không có," ông Nguyễn Hồng Tâm nhận định.
Với những hành khách đi chung chuyến bay với bệnh nhân về Việt Nam, ông Tâm cho biết đã khuyến cáo tự theo dõi sức khỏe tại nhà, đồng thời khử khuẩn kỹ lưỡng.
Theo Phó Giám đốc điều hành HCDC, từ trước khi có ca bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có phương án phối hợp xử lý, điều trị nên đã ứng phó kịp thời, hiệu quả đối với 2 ca bệnh nêu trên. Do đó, các phương án ứng phó của Thành phố Hồ Chí Minh không có gì thay đổi.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tăng cường truyền thông, khuyến cáo người dân nên chủ động báo cho ngành y tế nếu thấy có triệu chứng nghi ngờ.
Cung thông qua báo cáo của địa phương, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp. Cùng với dịch COVID-19, dịch sốt xuất huyết đang lưu hành, bệnh do virus Adeno gia tăng, xuất hiện ca bệnh cúm A(H5) và đặc biệt là dịch mới nổi như đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ theo công điện của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, tập trung giám sát, phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời. Các Viện trực thuộc Bộ Y tế cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.
Thứ trưởng yêu cầu Sở Y tế TP.HCM cần tiếp tục giám sát theo dõi, điều tra dịch tễ, điều trị hiệu quả ca bệnh đậu mùa khỉ thứ hai, báo cáo kịp thời Viện đầu ngành trên địa bàn để triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Đối với các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, bệnh do virus Adeno, các địa phương cần tiếp tục tăng cường phòng, chống; đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch, bệnh đến cộng đồng.