Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức trong ngày 6/10 cho thấy, sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm, nhiều cửa hàng bán lẻ ở một số quận như Tân Bình, Bình Tân, thành phố Thủ Đức… đã thông báo hết xăng, còn dầu, hoặc ngừng bán.
Tại cửa hàng An Bình trên đường Trần Não (thành phố Thủ Đức) thuộc hệ thống bán lẻ của Công ty Cagico, có thông báo hết xăng RON 95 và E5 RON 92. Khi người dân vào đổ xăng, một nhân viên của cây xăng thông báo hết xăng, bên cạnh cửa hàng cũng treo bảng thông báo “hết hàng”.
Trước đó, trong nội dung gửi Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Cục quản lý Thị trường TP Hồ Chí Minh vào ngày 5/10, đại diện Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Cần Giờ (Cagico) cho biết, do không còn nguồn hàng để đáp ứng duy trì hệ thống của công ty, nên có thể sẽ tạm ngưng trong thời gian tới.
Lý giải về tình trạng "hết hàng" nên tạm đóng cửa, đại diện Công ty Cagico cho biết, công ty là đơn vị phân phối nên không thể nhập được xăng dầu mà phải thông qua các thương nhân nhập khẩu để mua và cung cấp cho hệ thống bán lẻ của mình. Thời gian gần đây, nguồn cung bị gián đoạn nên các đơn vị đầu mối đã ngưng cung cấp hàng cho doanh nghiệp. Công ty Cagico hiện có 17 cây xăng và 36 đại lý hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Lý giải nguyên nhân phải đóng cửa trong thời gian qua, một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại TP Hồ Chí Minh cho biết, sở dĩ doanh nghiệp tạm đóng cửa vì "ngày nào mở ra bán hàng cũng lỗ", tuy nhiên vì xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện, nên muốn dừng bán phải xin phép. Hơn nữa, nếu ngừng bán hàng thì người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất sẽ bị ảnh hưởng nên chủ các cửa hàng kinh doanh xăng dầu vẫn cố gắng cầm cự.
Chủ một doanh nghiệp có 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại TP Hồ Chí Minh cho biết, mức hoa hồng hiện chỉ 150 đồng, thậm chí là 0 đồng/lít, trong khi riêng tiền vận chuyển xăng dầu từ kho về đến cửa hàng bán lẻ đã 150 - 200 đồng/lít. Vì vậy, giá xăng dầu mà doanh nghiệp mua vào đã cao hơn giá bán ra khiến các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đều gánh lỗ nặng nề, đành chấp nhận ngưng bán.
"Theo tính toán, những doanh nghiệp có từ hai cửa hàng bán lẻ xăng dầu ít nhất mỗi tháng lỗ từ 300 triệu đồng trở lên. Người lao động cũng bị ảnh hưởng khi hiện nay nhân viên bán hàng chỉ còn hưởng lương cơ bản, thậm chí nhiều cửa hàng đã cắt giảm nhân công để giảm chi phí”, vị đại diện doanh nghiệp này than thở.
Để giải quyết khó khăn, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề xuất Nhà nước cần quy định cho các cửa hàng lẻ mức hoa hồng 3 - 7% trên giá bán lẻ, để cho dù giá xăng dầu tăng hay giảm, các cửa hàng sẽ bị lỗ thấp nhất hoặc bảo toàn được vốn. Chẳng hạn, với mặt hàng xăng A95 giá bán hiện nay là 21.400 đồng/lít, với mức hoa hồng 3%, cửa hàng bán lẻ hưởng được 643 đồng/lít. Với mức hưởng này, các cửa hàng đang lỗ ít; với mức hoa hồng 5%, cửa hàng bán lẻ được 1.072 đồng, vừa đủ chi phí hoạt động; với mức hoa hồng 7%, cửa hàng bán lẻ được hưởng 1.501 đồng/lít, mức này cửa hàng có lời và bù lại những thời điểm mức hoa hồng 3%.
Liên quan đến thông báo hết hàng của Công ty Cagico, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, dù chưa nhận được văn bản, song đã nắm được thông tin và sẽ trao đổi cụ thể với Công ty Cagico liên quan đến những khó khăn về nguồn cung mà doanh nghiệp này nêu trong văn bản gửi Sở.
Trước đó, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trong số 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, thời gian qua chỉ ghi nhận 5 - 6 cửa hàng xin tạm ngưng trong thời gian sửa chữa, súc bồn, kiểm tra hệ thống PCCC... chứ chưa có trường hợp xin tạm ngưng kinh doanh.
Với các trường hợp này, đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã xác minh, kiểm tra các hạng mục sửa chữa và xem xét lại thời gian ngưng dưới 30 ngày theo quy định; có những trường hợp chỉ chấp thuận ngưng từ 15 - 20 ngày. Ngoài ra, Sở cũng tiếp nhận đơn của Công ty TNHH Petro Ramco xin trả giấy phép phân phối cho Bộ Công Thương, hiện doanh nghiệp này có một cây xăng tại TP Hồ Chí Minh.
Theo báo Tin tức