TP Hồ Chí Minh: Truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt 43

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Sáng 2/8, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt 43 cho 5 mẹ có chồng, con hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; truy tặng danh hiệu vinh dự Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Anh hùng Liệt sỹ Phan Văn Hân (bí danh Hai Sang) hy sinh trong đợt Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968.
dsc-1340s2-1659434243.jpg
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Văn Nên trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho thân nhân của liệt sĩ Phan Văn Hân.

Dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Đỗ Văn Bảnh, Phó chính ủy Quân khu 7; đại diện lãnh đạo một số ban, ngành Trung ương, thành phố.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Văn Nên đã trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đối với 5 Mẹ, gồm: Đặng Thị Lụa (quận 5), Phan Thị Huệ (quận 6), Phạm Thị Thạch (huyện Hóc Môn), Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Mượng (huyện Củ Chi) và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Phan Văn Hân (nguyên Thường vụ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, nguyên Bí thư Phân khu 2, Sài Gòn – Gia Định); và trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho thân nhân của liệt sĩ Phan Văn Hân.

Liệt sĩ Phan Văn Hân, sinh năm 1925, quê tỉnh Bến Tre, nguyên Thường vụ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, nguyên Bí thư Phân khu 2, Sài Gòn-Gia Định, tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi. Ông luôn mưu trí dũng cảm chiến đấu và lập nhiều chiến công xuất sắc, đặc biệt trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tháng 5-1968, ông bị địch bắt, biệt giam, tra tấn dã man trong nhà tù nhưng luôn giữ vững khí tiết cách mạng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân, không một lời khai báo, bảo vệ nguyên vẹn các đầu mối, cơ sở cách mạng và bị địch thủ tiêu bí mật đến nay vẫn chưa xác định được ngày hy sinh và nơi chôn cất.

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ, qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước và các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc, cả nước có hơn 1,146 triệu liệt sĩ ngã xuống, 127.000 Mẹ VNAH, 800.000 thương binh, bệnh binh và 13.000 Anh hùng LLVT và Anh hùng lao động, hơn 111.000 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày, tra tấn trong các nhà tù. Đến nay, vẫn còn hơn 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính. Ngoài ra còn có hơn 4 triệu người dân đã chết và chịu thương tật suốt đời do bom đạn chiến tranh, và rất nhiều chiến sĩ đã thầm lặng hy sinh, không thể nào đếm được.

“Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi lòng tạc dạ sự hy sinh cao quý của các AHLS, công ơn cao cả của các Mẹ VNAH đã hiến dâng cho Tổ quốc những người con thân yêu của mình. Việc truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH và Anh hùng LLVT hôm nay thể hiện sự trân quý, ghi nhận đối với công lao trời biển, sự hy sinh to lớn của các mẹ VNAH, các AHLS”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị các cấp ngành, chính quyền địa phương và nhân dân nhất là những nơi còn có mẹ Việt Nam Anh hùng đang sinh sống quan tâm nhiều hơn nữa, thể hiện bằng tấm lòng yêu thương, chăm sóc sức khỏe và điều kiện sống của các mẹ cùng gia đình bằng tình cảm chân tình, lòng biết ơn sâu sắc để các mẹ sống vui, sống khỏe, bình an trên mảnh đất quê hương Việt Nam. Các ngành, cấp cần quan tâm giáo dục thế hệ trẻ hôm nay hiểu sâu sắc hơn về nghĩa vụ và bổn phận của mình đối với lịch sử hào hùng của dân tộc, mà các mẹ, các anh chính là hiện thân cao đẹp nhất.

PL