TP HCM dự kiến cần tuyển thêm 43.000 lao động trong 2 tháng cuối năm

Đặng Thu Hằng
Nhu cầu tuyển dụng lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những tháng cuối năm là 43.000 lao động, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp lễ Tết.

Tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội định kỳ chiều 10/11, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM (LĐTB-XH), cho hay do ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới, một số doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Lâm thông tin năm 2021 có 122.700 người lao động ở TP HCM nhận trợ cấp thất nghiệp. Trong 10 tháng đầu năm 2022, thành phố có 128.647 người nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ.

anh-chup-man-hinh-2022-11-11-luc-012255-1668104611.png
Ảnh minh hoạ.

Hiện, toàn Thành phố Hồ Chí Minh có 248.897 doanh nghiệp đang hoạt động. Đến hết tháng 10/2022, gần 2,5 triệu lao động đang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội, tăng hơn 345.000 người so cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 100.000 người so với 6 tháng đầu năm 2022.

Qua khảo sát 285 doanh nghiệp có từ 200 lao động trở lên cho thấy, có 159/285 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng tuyển là 8.232 người, tập trung ở ngành dệt may, cơ khí, giao hàng, chế biến thực phẩm.

Mặt khác, ở các lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp Tết, thành phố dự kiến cần tuyển dụng 43.000 lao động những tháng cuối năm.

Do ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là tình hình kinh tế, chính trị bất ổn ở một số nước châu Âu, một số doanh nghiệp gia công giày da, may mặc xuất khẩu gặp khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt buộc phải sắp xếp, tổ chức lại, giảm lao động như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Samho (huyện Củ Chi), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng (quận Bình Tân)...

Bên cạnh đó, để giữ chân người lao động, một số doanh nghiệp đã sắp xếp lại thời gian làm việc phù hợp với nhu cầu sản xuất (không tăng ca, cho người lao động nghỉ thêm thứ 7 hàng tuần) nhằm đảm bảo có đủ nguồn nhân lực khi có đơn hàng mới.

Theo ông Lâm, để giải quyết vấn đề thiếu hụt, cắt giảm lao động tại các doanh nghiệp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM sẽ chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động.

ttxvn-tuyen-dung-lao-dong-1011-1668104598.jpeg
Dịp cuối năm, ngành thương mại điện tử ở TP HCM có nhu cầu tuyển dụng 43.000 công nhân. (Ảnh: TTXVN)

Đồng thời, Sở LĐTB-XH yêu cầu các doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động. Từ đó giám sát tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Quý Mão năm 2023 và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Trước đó, Công ty TNHH Tỷ Hùng, quận Bình Tân, chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 công nhân, tương đương hơn 60% nhân công với lý do không có đơn hàng. Trong số công nhân mất việc có hơn 60% là nữ, nhiều người đã ngoài 40 tuổi, hầu hết gắn bó với công ty 10-15 năm. Ngành lao động TP HCM cũng đang phối hợp Công ty Tỷ Hùng để xử lý các vấn đề, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và hiện chưa có diễn biến mới.

Tính từ đầu năm, có 22 doanh nghiệp gửi phương án sắp xếp lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, trong năm 2022, có 26 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế với số lao động bị mất việc là 2.844 người trên tổng số 14.861 người lao động.

T.H.