Bất chấp những cảnh báo của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua tiếp tục nhận thêm các bộ phận mới của Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất. Thương vụ trị giá 2,2 tỷ euro này đã đánh dấu một cột mốc mới trong mối quan hệ ngày càng ấm lên giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, song mặt khác cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành “một trong những thách thức lớn nhất” đối với cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ.
Theo lập luận của NATO và Mỹ, những hệ thống này sẽ làm phức tạp hơn các chiến dịch của phương Tây, đặt ra vấn đề về sự tương thích với các trang thiết bị quân sự đang được triển khai của NATO và thậm chí là cả an ninh của khối quân sự này.
“Tính đến thời điểm hiện tại, bản hợp đồng S-400 chính là thỏa thuận quan trọng nhất trong lịch sử đương đại của chúng ta. Mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ không chuẩn bị cho chiến tranh. Các hệ thống phòng không này sẽ được dùng để đảm bảo hòa bình và an ninh cho đất nước chúng ta. Tất cả các bước đi mà chúng ta đang thực hiện đều là để cải thiện khả năng phòng thủ của bản thân” - cổng thông tin Haberler trích lời nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan cũng tái khẳng định: “việc kiểm soát các hệ thống S-400 sẽ hoàn toàn nằm trong tay lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ”. Bên cạnh đó, Tổng thống Erdogan còn đề cập đến vấn đề chuyển giao những chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ, mà theo các tuyên bố khác nhau của Washington, có thể bị hủy bỏ do thỏa thuận S-400.
“S-400 là một chủ đề, F-35 lại là một chủ đề hoàn toàn khác. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã chi ra 1,4 tỷ USD cho F-35. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ rút ra khỏi chương trình F-35, thì chi phí cho một chiếc máy bay có thể sẽ tăng lên thành 7-8 triệu USD. Đây hoàn toàn không phải là một quyết định đơn giản. Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ phải trả lại số tiền mà chúng ta đã bỏ ra” - ông Erdogan tuyên bố.
Bất chấp những phát ngôn nồng ấm của Tổng thống Trump với Thổ Nhĩ Kỳ, các quan chức năng Mỹ cho biết hồi tuần trước rằng Washington vẫn có kế hoạch áp đặt các lệnh trừng phạt lên Ankara.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận định với tờ Washington Post trong một cuộc phỏng vấn ngày 14/7 rằng "luật này (CAATSA) bao gồm các lệnh trừng phạt và tôi tin rằng chúng tôi sẽ áp dụng nó với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như Tổng thống Trump sẽ tuân theo đạo luật này".
Ngoài việc áp dụng Đạo luật CAATSA, các quan chức Mỹ cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị loại khỏi chương trình phát triển F-35. Điều đó tức là Ankara sẽ không còn là một phần trong quy trình sản xuất cũng như không thể đặt hàng loại chiến đấu cơ này nữa.
Lầu Năm Góc cho biết, hệ thống S-400 sẽ gây ra mối đe dọa với chương trình F-35 nếu chúng được vận hành tại cùng một khu vực. Tổng thống Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đặt hàng hơn 100 chiếc F-35 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất, đồng thời hy vọng Washington tiếp tục tuân thủ các cam kết của thỏa thuận.