Nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước tiếp tục giữ tỷ trọng lớn nhất với 45,7%, tương đương tổng tài sản 4,57 triệu tỷ đồng, tăng 18,34% so với hồi đầu năm. Trong khi đó, tổng tài sản của nhóm NHTM Cổ phần là 4,03 triệu tỷ đồng, tăng 17,69% sau một năm và chiếm trên 40% tổng tài sản hệ thống.
Nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài ghi nhận 954.165 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 15,19%; nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính ghi nhận 141.899 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 24,07%. Cùng với đó, tổng tài sản của nhóm ngân hàng hợp tác xã là 28.906 tỷ đồng, tăng 8,56%; nhóm quỹ tín dụng nhân dân là 102.584 tỷ đồng, tăng 13,84%.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng tài sản ghi nhận là 175.641 tỷ đồng, tăng 10,04%.
Về vốn tự có, tính đến hết ngày 31/12/2017, vốn tự có toàn hệ thống ngân hàng đạt 714.106 tỷ đồng, tăng 11,64% so với hồi đầu năm.
Trái ngược với cơ cấu tổng tài sản, cán cân vốn tự có đang nghiêng về nhóm NHTM Cổ phần. Tổng vốn tự có của nhóm NHTM Cổ phần ghi nhận là 290.626 tỷ đồng, tăng 14,35%; trong khi con số này ở nhóm NHTM Nhà nước là 254.655 tỷ đồng, tăng 10,96%.
Nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài ghi nhận 141.838 tỷ đồng vốn tự có, tăng 8,31%; còn lại là nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính với 23.353 tỷ đồng, nhóm ngân hàng hợp tác xã với 3.633 tỷ đồng.
Về vốn điều lệ, nhóm NHTM Nhà nước gần như không tăng trong năm qua, giữ ở mức 147.771 tỷ đồng. Trái ngược, vốn điều lệ của nhóm NHTM Cổ phần tăng tới 6,94%, tương ứng đạt 214.791 tỷ đồng, gần gấp rưỡi vốn điều lệ của NHTM Nhà nước.
Việc tổng tài sản cao hơn, nhưng vốn tự có lẫn vốn điều lệ thấp hơn nhóm NHTM Cổ phần khiến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhóm NHTM Nhà nước tiếp tục giữ ở mức khá thấp 9,52%, chỉ nhỉnh hơn một chút so với quy định 9%. Trong khi đó, CAR của nhóm NHTM Cổ phần là 11,47%, cao hơn nhiều quy định.
Đối với tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, cả 2 nhóm ngân hàng trên đều đã đưa về dưới mức 40% theo đúng lộ trình, đạt 33,44% với nhóm NHTM Nhà nước và 34,47% với nhóm NHTM Cổ phần.