Để có được kết quả trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban chấp hành (BCH) Thành hội đã xây dựng quy chế làm việc toàn khóa, phân công nhiệm vụ cho từng ủy viên BCH. Duy trì sinh hoạt BCH thường kỳ hàng tháng và để đánh giá kết quả hoạt động tháng trước, đề ra kế hoạch sản xuất, dịch vụ và giải pháp thực hiện cho tháng tiếp theo trên cơ sở kết quả đạt được.
Trong 5 năm qua, Hội đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác lao động, sản xuất, vay vốn, tạo việc làm cho hội viên. Về lao động sản xuất: Hội tập trung vào 02 loại hình là sản xuất, tiêu thụ tăm và dịch vụ tẩm quất, giác hơi, xông hơi. Cụ thể: Sản phẩm tăm các loại sản xuất và tiêu thụ được: 3,94 triệu gói, doanh thu đạt hơn 6,27 tỷ đồng, chiếm 35%; Dịch vụ tẩm quất, giác hơi, xông hơi đón và phục vụ 246.888 lượt khách với doanh thu đạt hơn 18,0 tỷ đồng, chiếm 65% tổng doanh thu.
Đây là kết quả nổi bật của Hội trong việc tổ chức sản xuất, dịch vụ tập chung, tạo công ăn, việc làm cho người mù. Dịch vụ Tẩm quất cổ truyền được coi là nghề mũi nhọn của người mù với doanh thu cao, với thu nhập bình quân là 4,5 triệu đồng/người/tháng, cá biệt có hội viên có thu nhập từ 7,0 - 9,0 triệu đồng/tháng. Không những tạo việc làm cho chính mình, nhiều hội viên đã chủ động mở cơ sở dịch vụ tẩm quất, tạo thêm việc làm cho các bạn đồng tật như ông Lê Thanh Giai (chủ cơ sở tẩm quất tại phường Đông Sơn), bà Lê Thị Thu (chủ cơ sở tẩm quất tại phường Đông Thọ).
Về vay vốn phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho hội viên: Hội sử dụng vốn vay từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm từ kênh Trung ương thông qua Ngân hàng chính sách xã hội. Tổng số vốn vay được quay vòng trong nhiệm kỳ là 492 triệu đồng với 21 dự án, tạo việc làm cho 21 hộ gia đình hội viên. Đặc biệt, Hội đã trích một phần kinh phí từ quỹ Lao động sản xuất với số tiền 350 triệu đồng, cho hội viên vay không tính lãi để phát triển kinh tế. Hiện nay, Hội đang quản lý 06 dự án với số tiền là 164 triệu đồng qua các mô hình: nuôi bò sinh sản, nuôi lợn thịt, nuôi ngan, gà, vịt, trồng rau, trồng hoa, kinh doanh buôn bán nhỏ…Đa số hội viên được vay vốn đều phát huy có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, thanh toán lãi vay đều đặn, trả nợ gốc đúng kỳ, được Ngân hàng và các tổ chức tín dụng đánh giá cao. Hiện nay, tổng số hội viên của HNM TP.Thanh Hóa là 288 hội viên, tỷ lệ hộ cận nghèo của Hội viên hiện chỉ còn 1% (không còn hộ nghèo).
Nhờ thực hiện có hiệu quả các kế hoạch sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trong nhiệm kỳ 2019-2024, HNM TP.Thanh Hóa đã có điều kiện quan tâm, chăm lo nhiều hơn đến đời sống của hội viên. Với mục tiêu: “Vì Hạnh phúc người mù”, hàng năm, Hội đã phân công các ủy viên BCH đi khảo sát, điều tra tình hình đời sống hội viên và người mù để kịp thời chăm sóc, giúp đỡ. Hội đã phối hợp với UBND và cán bộ chính sách các phường, xã trên địa bàn, tổ chức thăm và trao quà Tết cho toàn thể hội viên, động viên hội viên và người mù tự tin vươn lên trong cuộc sống, thể hiện tình cảm và gắn bó với Hội. Bình quân mỗi năm thăm hỏi và trao quà cho hơn 1.500 lượt hội viên với số kinh phí hàng trăm triệu đồng. Với những hội viên làm việc trực tiếp tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ của Hội: Hội duy trì bữa ăn tập thể và hỗ trợ 01 bữa ăn, từ 01/7/2023 nâng mức hỗ trợ lên 02 bữa ăn miễn phí. Hàng năm, BCH Thành hội phối hợp với Công đoàn tổ chức cho hội viên đi thăm quan, du lịch, nghỉ mát để hội viên có dịp giao lưu học hỏi, mở mang kiến thức xã hội... Tổng chi cho phúc lợi 05 năm qua là 2,78 tỷ đồng và 54,54 tấn gạo cho 7.500 lượt hội viên.
Có thể nói, trong nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù tình hình kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, nhưng nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của BCH và toàn thể hội viên, HNM TP.Thanh Hóa đã có bước phát triển vững mạnh, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu mà nghị quyết Đại hội lần thứ X đề ra, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố Thanh Hoá./.