Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai cho biết, do tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, từ tháng 6/2022 đến nay đã có 227 doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, doanh thu, quy mô sản xuất. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất. Lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, may mặc, giày da… chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Có hơn 22.000 người lao động bị cắt giảm, 48.000 người lao động giảm giờ làm, 9.000 người lao động được trả lương ngừng việc, 1.000 người lao động được thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động.
Còn tại Bình Dương, ông Đặng Tấn Đạt, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn lao động tỉnh cho biết, hiện trên địa bàn có khoảng 240.000 lao động bị giảm giờ làm, số lao động mất việc là 14.000 và 30.000 lao động bị tạm hoãn việc làm.
Bên cạnh đó, theo ông Đạt, tại Bình Dương còn có thực trạng nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng dẫn đến người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, trong khi đó nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động thời vụ lại không thể tuyển số lao động trên do vướng các quy định pháp luật.
Thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 7/12, cả nước đã có khoảng 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 42.000 lao động bị mất việc.
Trao đổi với VOV.VN về tình trạng này, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) nhận định, các tháng cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng không đó đơn hàng, giảm đơn hàng, tình hình kinh doanh bị giảm sút nghiêm trọng dẫn đến không có lợi nhuận, rất khó để duy trì việc làm.
“Người lao động không có việc làm tức khắc bị giảm thu nhập. Nếu như có hàng chục nghìn người lao động không có thu nhập thì đồng nghĩa với vài chục nghìn gia đình, hàng trăm nghìn người dân sẽ bị ảnh hưởng theo về cuộc sống hàng ngày, tiền đóng học cũng như kéo theo hàng loạt các vấn đề xã hội khác”, ông Tiến lo ngại.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động – Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) nhìn nhận, thị trường lao động những tháng cuối năm 2022 vẫn đang chịu những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, lại tiếp tục chịu ảnh hưởng từ biến động của tình hình kinh tế thế giới.
“Về trung hạn, quá trình phục hồi nền kinh tế sẽ đi theo hướng tiếp tục giảm lao động, đặc biệt là trong những ngành mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số dần chiếm lĩnh để tăng năng xuất lao động. Tình trạng giảm lao động cũng sẽ giảm mạnh ở phân khúc thấp của thị trường lao động, người lao động không có chuyên môn kỹ thuật.
Ngay cả trong những ngành doanh nghiệp có thể trụ vững, thu hút lao động cũng sẽ cầu những kỹ năng mới, thái độ, hành vi kỹ thuật mới mà người lao động cần có”, bà Lan Hương nhận định.
Trước những biến động của thị trường lao động, bà Lan Hương cho rằng Chính phủ cần thêm các chính sách hỗ trợ người lao động như đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng cường gắn kết thị trường lao động.
“Trong thị trường lao động có thể tồn tại tình trạng lao động không có việc làm nhưng lại có nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động, nguyên nhân do cung cầu lao động chưa khớp hoặc chính sách về tiền lương chưa đủ để thu hút người lao động. Do đó các cơ quan chức năng cần nắm bắt được nhu cầu lao động trong các ngành, để tăng cường kết nối”, bà Hương cho biết.
Dự báo quý 1, quý 2/2023 thị trường lao động tiếp tục khó khăn?
Đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai cho biết, dự báo tình hình khó khăn trong thị trường lao động sẽ kéo dài đến hết quý I/2023 vì suy thoái chung của toàn cầu. Hiện các doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự đợi phục hồi, nếu tình hình không khả quan, sang quý 1/2023 buộc phải cho một bộ phận người lao động nghỉ việc.
Hiện nay ngành lao động và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai đang tăng cường nắm tình hình biến động lao động của các doanh nghiệp và chủ động phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp cắt giảm lao động xây dựng phương án sản xuất, đảm bảo quyền lợi và duy trì việc làm cho người lao động. Một số doanh nghiệp có số lượng công nhân không nhiều, khoảng 700 - 800 người và đang chuẩn bị giải thể, phía Sở sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương vào cuộc.
Sở LĐ-TB-XH cũng đã yêu cầu các địa phương đến trực tiếp các doanh nghiệp làm việc, nắm bắt tình hình trả lương, chốt sổ bảo hiểm cho công nhân… từ đó tạo điều kiện cho công nhân tìm việc mới hoặc hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm các quyền lợi khác của công nhân.
Ông Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, lao động và Xã hội cũng dự báo tình trạng đứt gãy thị trường lao động có thể kéo dài tiếp đến quý 1, quý 2 năm sau do tình hình sản xuất của doanh nghiệp có thể vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số lĩnh vực có thế mạnh về xuất khẩu, thâm dụng lao động như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày…
Dự báo, một số ngành có thể tiếp tục ổn định và thu hút nhiều lao động, có xu hướng tạo ra nhiều việc làm như dịch vụ, xây dựng, nông nghiệp.
Ông Đào Quang Vinh cho rằng, trong bối cảnh này, rất cần các chính sách hỗ trợ của nhà nước về an sinh xã hội, đào tạo, kết nối cung cầu lao động.
Theo VOV