Tính nhân văn từ hai đề án ở Vĩnh Phúc

Tạp Chí Nhân Đạo
Hai đề án thí điểm: “Nhận chăm sóc và nuôi dưỡng tự nguyện” và “Can thiệp cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ” tại Trung tâm Công tác xã hội (Sở LĐ –TB &XH) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt đã mang lại “ánh sáng” cho người già không nơi nương tựa, các em nhỏ mắc chứng bệnh tự kỷ trên địa bàn tỉnh. Đến nơi đây, người cao tuổi, trẻ em tự kỷ được chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, can thiệp trị liệu kết hợp giữa y sinh học – công tác xã hội – giáo dục hòa nhập phù hợp với khả năng tài chính của...

Dẫn chúng tôi thăm quan khu nuôi dưỡng, chăm sóc người già, trẻ mắc hội chứng tự kỷ, ông Bùi Quang Huấn, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Phúc phấn khởi cho biết: Chỉ sau mấy tháng đi vào thực hiện 2 đề án nhân văn này, hiện nay Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng và can thiệp trị liệu cho 31 trẻ em, trong đó có 11 trẻ ở nội trú; 5 người cao tuổi neo đơn tự nguyện vào “trung tâm dưỡng lão”.


Cán bộ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Vĩnh Phúc chăm sóc người cao tuổi

Đây là những mô hình tự nguyện thuộc đơn vị công lập nên người cao tuổi và trẻ nhỏ có những chế độ ưu đãi riêng biệt với kinh phí phải đóng góp thấp hơn rất nhiều so với 6 mô hình của tư nhân mở ra trên địa bàn. Với Đề án “Can thiệp cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ”, Trung tâm đã tuyển được 3 giáo viên tốt nghiệp khoa giáo dục đặc biệt ở các trường sư phạm. Đội ngũ chăm sóc y tế đúng chuyên ngành. Trung tâm đã tư vấn tuyển sinh cho trên 100 lượt gia đình có trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Chỉnh sửa mức thu phí lồng vào quy chế phù hợp với đề án đã phê duyệt (ngoại trú là 1,9 triệu đồng, nội trú gần 3 triệu đồng). Ngoài ra, hoàn thiện hồ sơ xin nhập học, tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình các cháu. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận thực phẩm theo đúng quy trình, đảm bảo tươi sống, an toàn. Cán bộ Trung tâm cùng ăn uống với các cháu tại bếp ăn tập thể, đảm bảo đủ dinh dưỡng, đúng chế độ. Khu vực nấu ăn, bếp ăn tập thể luôn được vệ sinh hàng ngày, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung tâm luôn xây dựng thực đơn ngày 3 bữa, thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày cho phù hợp với các cháu nhỏ; thực hiện chế độ ăn riêng cho những cháu có bệnh về đường tiêu hóa. Thường xuyên lưu mẫu thức ăn để phục vụ công tác xét nghiệm khi cần thiết. Bên cạnh việc đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, Trung tâm thường xuyên phân công nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe hàng ngày cho trẻ, đặc biệt quan tâm đến các cháu hay bị ốm đau, bệnh tật. Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, nhất là trong thời điểm giao mùa. Đối với Đề án “Nhận chăm sóc và nuôi dưỡng tự nguyện”, người cao tuổi neo đơn, không người chăm sóc khi tự nguyện vào Trung tâm được cung ứng những dịch vụ tương ứng theo nhu cầu và điều kiện của mỗi người. Người cao tuổi sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng ở khu riêng biệt; được bố trí ở phòng khép kín, đảm bảo thoáng mát, có điều hòa nhiệt độ. Với khuôn viên nhiều cây xanh, đây sẽ là nơi lý tưởng để người cao tuổi đi dạo, tập thể dục. Mỗi người sẽ có phác đồ điều trị và phương pháp chăm sóc riêng phù hợp với tuổi tác, sức khỏe và tính cách. Đối với người bị tai biến nhẹ có khả năng phục hồi, Trung tâm có hệ thống máy tập, xoa bóp để phục hồi chức năng, cải thiện tình trạng sức khỏe…
Trong khuôn viên rợp bóng cây xanh, bà Nguyễn Thị Luận, 74 tuổi, xã Đồng Tĩnh (Tam Dương) vui vẻ cho biết: Là vợ liệt sỹ, lại không có con cái, trước kia cứ bấu víu vào anh em họ hàng, làng xóm mãi cũng ngại. Từ khi biết đến mô hình “Nhận chăm sóc và nuôi dưỡng tự nguyện” của Trung tâm Công tác xã hội, tôi đã nhờ các cháu trong dòng họ làm hồ sơ gửi Trung tâm. Vào đây, chúng tôi được cán bộ Trung tâm chăm sóc tận tình từng bữa ăn đến giấc ngủ. Cơ sở vật chất thì không khác gì khách sạn; đồ ăn thức uống thì mùa nào thức ấy, được chế biến theo thực đơn của người già. Hàng ngày chúng tôi được nhân viên y tế đến tận phòng hỏi han, đo huyết áp, tư vấn sức khỏe. Nếu cụ nào có sức khỏe tốt thì  đi dạo, tập thể dục; cụ nào đau yếu sẽ được xoa bóp, bấm huyệt hoặc hỗ trợ vận động, tăng cường sức khỏe. Chúng tôi rất hài lòng khi được ở nơi đây.
Hiệu quả và tính nhân văn của 2 đề án nêu trên đã rõ, tuy nhiên trong quá trình triển khai, những mô hình thí điểm này vẫn gặp phải những khó khăn và “rào cản” nhất định. Việc chăm sóc trẻ bình thường đã khó, nay chăm sóc, dạy học, nuôi dưỡng mấy chục trẻ em mắc các hội chứng phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ, chậm nói thì muôn phần vất vả do thiếu giáo viên có kinh nghiệm về can thiệp và trị liệu cho trẻ tự kỷ cũng như cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, chăm nom các cháu. Mọi đồ dùng học tập, khu vui chơi của các cháu nhỏ, Trung tâm phải tự trang bị, vận động từ nguồn xã hội hóa và các nhà hảo tâm. Bên cạnh đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện đóng đúng, đủ học phí cho con em họ, nhiều trường hợp Trung tâm phải linh động giảm mức học phí khi tiếp nhận các cháu. Ngay như 5 người cao tuổi được nuôi dưỡng nơi đây thì có đến 2 cụ được Trung tâm hỗ trợ một phần kinh phí vì hàng tháng họ chỉ có một khoản tiền nhất định, không đáp ứng đủ hạn mức thu của đơn vị. Trong khi đó, triển khai 2 mô hình này, Trung tâm phải tự thu, tự chi. Đâu chỉ có những khó khăn nêu trên, khó khăn lớn nhất của Trung tâm khi muốn thu hút nhiều người tham gia mô hình này là nhận thức của cộng đồng, định kiến xã hội về “nhà dưỡng lão”.


Trẻ mắc hội chứng tự kỷ được học tập, sinh hoạt tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Vĩnh Phúc

Để hoạt động hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thường xuyên kết nối với các tổ chức, cá nhân cùng chung tay sẻ chia để các cháu nhỏ, người cao tuổi được thụ hưởng những dịch vụ phù hợp. Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm, chăm sóc, sự chung tay của cả cộng đồng để các em mắc hội chứng tự kỷ và người cao tuổi neo đơn được chăm sóc chu đáo, có cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Thành Nam - Nguyễn Trọng