Tình người sau bão lũ...

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Ở những vùng bão lũ đi qua, có những cảnh đời éo le, nhưng cũng có những câu chuyện cảm động về tình người... Đó là cảm nhận của tôi trong chuyến tháp tùng cùng đoàn cứu trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương đến với bà con các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua.

Chuyện buồn ở “xóm vé số”

Sau những ngày mưa lũ, khí hậu của vùng đất Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) trở lại oi bức. Trên tuyến đường nội thị 25-12 thuộc khu phố Lạc Hóa 1, thị trấn Lộc Tánh, huyện Tánh Linh, nhiều căn nhà đã có mái tôn mới và đang được xây, sửa.

 

BINH-DUONG
Bà Nguyễn Thị Lệ Trinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh (bìa phải) cùng với Đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương trao tượng trưng 300 triệu đồng cho đồng bào huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) bị thiệt hại do mưa lũ gây ra

Ông Võ Sáu, Trưởng khu phố Lạc Hóa 1, cho biết: “Trong đợt mưa lớn kèm theo lốc xoáy đầu tháng 7 vừa qua, trên địa bàn khu phố có hơn 30 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn. Có nhà dân bị sập phải xây lại. Trong khi đó, đây vốn là xóm nghèo, ruộng vườn không có, nên nhiều người dân khu phố phải chọn nghề bán vé số để mưu sinh. Họ đi bán rất xa, có khi cả tuần mới về một lần...”.

Sau cơn bão, căn nhà của anh Nguyễn Chương ở khu phố Lạc Hóa 1 đã được chính quyền địa phương hỗ trợ tiền, ngày công lợp tôn mới, sửa sang lại nhưng khó khăn vẫn còn chồng chất.

Trước hiên nhà, hai ông bà Nguyễn Trúc, đã hơn 80 tuổi, người thân của anh Chương, lặng lẽ nhìn nhau. Bên trong, trên chiếc sạp tre, anh Nguyễn Chương đang nằm liệt tại chỗ.

Nói về tình cảnh của mình, anh Nguyễn Chương, kể: “Hôm đó, thấy gió lớn tôi chạy ra đóng cửa thì bị cây điều trước sân đổ đè vào, gãy xương đùi. Đã gần 2 tháng trôi qua, nhưng xương gãy chưa lành nên phải nằm im trên giường”.

Lốc xoáy cũng làm nhà anh Nguyễn Chương bị tốc mái, toàn bộ đồ đạc trong nhà hư hỏng sạch. Được biết, vợ chồng anh Nguyễn Chương đều bán vé số. Nay anh không đi lại được nên tất cả trông chờ vào thu nhập từ việc bán vé số của vợ.

Cách đó không xa, căn nhà của ông Trần Văn Hồng cũng đang được xây mới. Trong nhà không có ai vì ông đi bán vé số xa, mấy ngày mới về một lần. Ông Võ Sáu cho biết: “Nhà của ông Trần Văn Hồng bị sập hoàn toàn, phải xây lại. Ông được chính quyền địa phương hỗ trợ, cộng thêm tiền của người con dâu cho, nhưng căn nhà cũng chỉ lợp mái tôn, tường gạch không tô. Cơ bản vẫn chỉ đáp ứng nhu cầu che mưa nắng”.

MUA-BAO
Đoàn đến thăm hỏi anh Nguyễn Chương ở khu phố Lạc Hóa 1, thị trấn Lộc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận

Khắc khoải trước những cảnh đời

Vượt qua con đường ngoằn ngoèo, cách khá xa trung tâm, chúng tôi đến xã Đăk Sin, huyện Đăk G’Lắp, tỉnh Đăk Nông. Chúng tôi dừng lại tại một căn nhà nằm sát mép đường nhưng nay có vẻ không như ngày thường. Một không gian tĩnh lặng, ở đó còn có tiếng khóc thầm... Đó chính là căn nhà của vợ chồng anh Đỗ Đắc Long. Đứa con duy nhất của vợ chồng anh, bé Nguyễn Hoàng Nguyên Phúc, 4 tuổi, mới mất. Trên bàn thờ, khuôn mặt ngây ngô hiện rõ khiến ai nhìn cũng phải xót xa. Mẹ của bé Phúc cho biết, sau nhà hàng xóm có một cái hố sâu khoảng 1,5m, do người dân đào đất làm nhà. Từ trước đến nay, hố này chưa bao giờ có nước, nhưng năm nay, do mưa lớn nước đọng lại hố. Cháu Phúc ở tuổi nghịch ngợm, vừa tạnh mưa chạy ra vườn chơi, không may rớt xuống hố tử vong.

Cách nhà bé Phúc không xa, không khí buồn đau của người thân vẫn còn hiện hữu tại gia đình anh Trần Văn Hiệu, gia đình mà cả 3 người đều tử vong do bị đất vùi. Dẫn chúng tôi đến khu đất, nơi từng là tổ ấm của gia đình anh Hiệu, anh Đỗ Minh Tuấn (anh rể anh Hiệu) nước mắt lăn dài, nói: “Cả nhà em tôi đã được đưa về quê ở Hưng Yên để an táng”.

Anh Đỗ Minh Tuấn nói tiếp: “Bao nhiêu năm xa quê vào Nam lập nghiệp, vợ chồng nó mua được mấy sào đất, cất được căn nhà, chưa gọi là dư giả nhưng cũng no đủ. Nay người thì ra đi mãi mãi, mà tài sản cũng thành hư vô... Chỉ thương cho cháu nhỏ mới 7 tuổi đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ...”.

Vượt hàng trăm cây số, chúng tôi đến với miền biên giới Kon Tum - Tiểu khu 171, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi thăm 2 đứa trẻ đang ngồi co ro. Ở miền sơn cước, tuy nghèo nhưng chúng hạnh phúc khi có ba mẹ. Nhưng tai nạn bất ngờ ập xuống, ba mẹ các em đã bị đất đá vùi chôn trong nương rẫy. Từ đây, các em chỉ còn biết bám víu vào tình thương yêu của ông bà ngoại, mà họ thì đã quá già. Riêng cháu Y Lãi năm nay lên lớp 10, chưa được mua sắm cho bộ quần áo mới, chưa làm thủ tục nhập học, không biết rồi đây tương lai sẽ ra sao.

San sẻ yêu thương

Trước sự khắc nghiệt của thời tiết, mưa lũ qua đi, chính quyền địa phương các cấp đã chung tay để bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống. Bà con được hỗ trợ tôn, tiền, ngày công... Chị Y Tây, ở xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, chia sẻ: “Sau mưa lũ, căn nhà tạm của tôi đổ sập. Cũng nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, gia đình tôi đã dựng lại được căn nhà”.

Nhằm chia sẻ khó khăn với bà con bị mưa lũ, từ ngày 16 đến 24/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm, hỗ trợ cho đồng bào các tỉnh ở Cà Mau, Bình Thuận, Đăk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum bị thiệt hại do mưa lũ gây ra, với tổng số tiền 2 tỷ đồng. Cụ thể, đoàn hỗ trợ gia đình có người chết 10 triệu đồng; hộ có người bị thương nặng, bị thiệt hại nặng về nhà, cây trồng, hoa màu, mỗi hộ 5 triệu đồng.

Tại mỗi nơi đến, đoàn gửi lời động viên, chia sẻ khó khăn với bà con bị thiệt hại do mưa lũ gây ra; đồng thời mong muốn bà con cố gắng vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Sau chuyến đi, bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, ngậm ngùi chia sẻ: “Có đi mới thấy, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của mưa lũ càng làm cho cuộc sống của họ vất vả hơn. Số tiền hỗ trợ tuy không thấm vào đâu so với nỗi đau, khó khăn của họ, nhưng đó là tình cảm, là những lời động viên để họ có động lực vươn lên trong cuộc sống”.

Tấn Phong-Thu Thảo