Hiện tại theo thống kê mới nhất từ Bộ GD&ĐT, trên cả nước đang thiếu gần 76.000 giáo viên. Số giáo viên thiếu ở cấp mầm non gần 40.000 giáo viên, Trung học cơ sở thiếu 10.000 người nhưng cũng lại thừa 12.000 người, còn bậc trung học phổ thông thì thiếu trên 3.000 giáo viên. Ở bậc tiểu học, số giáo viên còn thiếu gần 19.000 người.
Trong khi đó, ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ. Tại một số địa phương đặc biệt khu vực miền núi nhiều lớp học đứng trước nguy cơ không có giáo viên đứng lớp.
Các địa phương như thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi trong năm 2017 đã tổ chức thi tuyển dụng giáo viên ở 4 cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông với số lượng thí sinh dự thi rất lớn nhưng bước vào đầu năm mới 2018-2019 này vẫn kêu thiếu hàng trăm giáo viên, nhiều lớp học ở miền núi đứng trước nguy cơ không có giáo viên đứng lớp. Vậy nguyên nhân vì đâu xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ?
Một là, công tác quy hoạch, dự báo, tổ chức sắp xếp mạng lưới, quy mô trường lớp, giáo viên thiếu - thừa ở các địa phương còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Hai là, khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ 4, 5 năm nay các cấp có thẩm quyền ở nhiều địa phương không được giao chỉ tiêu biên chế.
Ba là, nhu cầu gửi trẻ ở bậc mầm non của các phụ huynh ngày càng tăng, giáo viên tăng song không theo kịp tốc độ tăng của trẻ, đặc biệt là các thành phố lớn, khu đô thị đang phát triển.
Phần lớn tại các địa phương đều ký hợp đồng cho giáo viên, có nơi lên đến hàng ngàn người. Nhiều trường hợp giáo viên đã dạy hơn 20 năm mà không có cơ hội vào biên chế nhà nước. Thực tế mỗi địa phương đều có những phương án quy hoạch giáo viên khác nhau nên cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Đến nay, phương pháp tối ưu nhất để giải quyết tình trạng trên vẫn còn đang trong giai đoạn mập mờ, chưa rõ ràng. Nhiều địa phương thi nhau ban hành đủ các loại quy chế, hướng dẫn và điều chuyển cán bộ giáo viên dư thừa môn này cấp này sang dạy môn ở cấp trường còn thiếu.
Việc kéo dài tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ không chỉ khiến giáo viên bất an, ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục tại Việt Nam
Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay là các địa phương phải tiếp tục sắp xếp, rà soát mạng lưới trường lớp theo hướng giảm điểm lẻ, tăng quy mô các trường để tiết kiệm định mức đầu tư cũng như biên chế. Bên cạnh đó tại các địa phương, trường sư phạm cần phải có sự phối hợp tốt trong việc tập huấn cũng như kế hoạch bồi dưỡng cán bộ để giáo viên sớm thích nghi được với môi trường giảng dạy mới.
Đặc biệt các địa phương cần phải có sự rà soát chặt chẽ, thông kê chính xác số lượng giáo viên thừa – thiếu đặc biệt là trường hợp giáo viên được giao trách nhiệm tại các trường. Sắp tới hiệu trưởng các trường được chủ động trong việc tuyển dụng cán bộ giáo viên phù hợp với thực tế, dưới sự giám sát của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh xã hội hóa để có thể thu hút được các nhà đầu tư nhằm giảm tải áp lực cho trường công.