Còn nhiều khó khăn
Số liệu của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ, trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn. Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của ”Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2022.
Liên quan đến nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai dọa 2021- 2023” (đáp ứng khoảng 86% nhu cầu).
Tại TP Hồ Chí Minh, khẳng định chương trình phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội là công việc lớn của TP, đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh dự kiến phát triển khoảng 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tương ứng khoảng 93.000 căn nhà, trong đó giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ phát triển 2,5 triệu m2 sản (khoảng 35.000 căn nhà).
Tại tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh phấn đấu phát triển thêm gần 1,9 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 42.000 căn hộ, giai đoạn năm 2026-2030, tỉnh dự kiến phát triển thêm 2,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương 42.000 căn hộ.
Tỉnh Đồng Nai cũng sẽ xây dựng khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025, với 37 dự án về nhà ở cho công nhân, người lao động trên 175 ha đất sạch trên địa bàn tỉnh.
Nhà ở xã hội là nhu cầu của người dân, người lao động, là yêu cầu của bảo đảm an sinh xã hội. Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn; đặc biệt nhiều doanh nghiệp có tâm huyết thực hiện dự án nhà ở xã hội nhưng lại gặp trở ngại về thủ tục, chính sách, nguồn vốn, quỹ đất…
Anh Nguyễn Trọng Nhân, Văn phòng Khu Công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) sinh sống và làm việc tại thành phố đã 22 năm với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nhiều năm nay anh tìm mua nhà ở xã hội để an cư nhưng rất khó khăn vì nguồn cung ít, khó tiếp cận được vốn vay mua nhà. “Tôi và nhiều người lao động mong muốn có một căn nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp. Đây là nhu cầu cũng chính là giấc mơ cần hiện thực để tiếp tục lao động mưu sinh” - anh Nhân bộc bạch.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thời gian qua, Việt Nam đã có không ít kinh nghiệm về phát triển nhà ở xã hội. Nhiều ngân hàng có chính sách cho vay để phát triển nhà ở xã hội. Trong khi đó, chương trình phục hồi và phát triển có 15.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội… Tuy nhiên, việc đầu tư thị trường nhà ở xã hội gặp khó khăn, thách thức; vẫn có cách hiểu cho rằng, nhà ở xã hội là "câu chuyện từ thiện, có cũng như không".
“Đây là quan điểm sai lệch, cần thay đổi", ông Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, còn có vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục và không thực thi; quy hoạch và quỹ đất "vừa thiếu, vừa thừa"; nguồn vốn chưa bền vững; lợi nhuận từ các dự án nhà ở xã hội chưa hấp dẫn; vướng mắc về trình tự, thủ tục mua, thuê nhà ở xã hội...
Là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong thực hiện các dự án nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành nói về câu chuyện chính doanh nghiệp của ông từng phải mất 4 năm để xin điều chỉnh từ 12 tầng lên 14 tầng; khâu chấp thuận đầu tư, xin ý kiến các sở, ngành cũng mất nhiều thời gian. Trong khi đó, lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là 14%, gần đây giảm còn 12% - vẫn quá cao.
Giải pháp đột phá nhà ở xã hội?
Tại hội thảo các đại biểu cho rằng cần sớm có giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua để quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành chia sẻ khó khăn trong thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Trả lời câu hỏi làm thế nào để đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng phát triển nhà ở xã hội là cơ chế chính sách; quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra.
Theo ông Hưng, những nội dung này đã được Bộ Xây dựng tổng kết đánh giá và điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023. Những dự án nhà ở xã hội được Nhà nước ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất sắp tới sẽ miễn tiền nhưng không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất. Ngoài ra, đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội chỉ tính thu nhập từ tiền lương, tiền công chứ không phải tính trên tổng thu nhập như hiện nay…
Ông Hà Quang Hưng cũng đề nghị người đứng đầu các địa phương cần xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị và quyết tâm phải làm.
Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay UBND thành phố đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án nhà ở xã hội nhằm kiểm soát tiến độ, lộ trình và quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành. Trong dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54, TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án được ưu đãi tăng chỉ tiêu quy hoạch 1,5 lần mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch phân khu. Đồng thời, cho phép thành phố sắp xếp lại các dự án nhà ở xã hội trong dự án thương mại.
Hiện nay cơ chế yêu cầu chủ đầu tư dành quỹ đất 20% trong dự án thương mại để làm nhà ở xã hội nên dẫn tới nhà ở xã hội phân bố toàn địa bàn mà chưa gắn với quy hoạch. Thành phố xin cho quy hoạch nhà ở xã hội theo khu vực.
Chia sẻ về những khó khăn cho công nhân, ông Lê Văn Nghĩa cho hay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm việc với Bộ Xây dựng để thống nhất cho Tổng liên đoàn đứng ra xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong khi chờ có hành lang pháp lý, Tổng liên đoàn mong Quốc hội ban hành nghị quyết riêng để thực hiện ngay nhằm đẩy nhanh tiến độ làm dự án nhà ở cho công nhân…/.