Theo tiến sĩ Khangser Rinpoche, sợ hãi, tức giận,buồn bã, sân si và căng thẳng,… là diễn biến nội tâm tiêu cực của con người mà ai cũng đã từng trải qua và cuốn sách với tựa đề “Sống an vui” chính là chìa khóa giúp ta tiết chế cảm xúc ấy.
Tiến sĩ Khangser Rinpoche chia sẻ: “Khoảng 15 năm trước, một người em họ gọi điện hỏi tôi giúp một người bạn đang trải qua căng thẳng và bất an. Lúc đó, tôi đang bận và bảo hãy đưa bạn cậu ấy đến gặp tôi sau.
Một tuần sau đó, cậu bạn ấy đã tự sát. Tôi bị sốc và vô cùng buồn bã vì tôi đã có thể giúp cậu ấy nếu gặp cậu ấy sớm hơn. Sau câu chuyện đau lòng này, tôi dành thời gian nghiên cứu sâu về cơ chế của sự căng thẳng. Càng nghiên cứu, tôi càng nhận ra giải tỏa căng thẳng không quá khó khăn.”
Tác phẩm “Sống an vui” là kết quả sau nhiều năm Khangser Rinpoche nghiên cứu và áp dụng một số phương pháp giải tỏa căng thẳng trong tâm. Từng bài tập thanh lọc, rèn luyện, tiếp năng lượng tích cực cho cơ thể mà tác giả đưa ra trong quyển sách khá cụ thể, kèm theo hình minh họa chi tiết để người đọc có thể thực hành, luyện tập ở bất kỳ nơi nào hay khi có thời gian.
Tiến sĩ Khangser Rinpoche là giảng sư giảng dạy triết lý Phật học ở Viện Phật học Tây Tạng Sera Jey, Ấn Độ. Ngoài ra, ông còn giảng dạy cho đại chúng ở các trường đại học, các trung tâm Phật giáo ở Ấn Độ, Nepal, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Tây Tạng, Hoa Kỳ…
Ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc First News (đơn vị xuất bản cuốn sách) cho biết: “Tôi đã thử vận dụng vài phương pháp trong cuốn sách và cảm thấy rất hiệu quả. Cuốn sách không chỉ được vận dụng trong giới tu sĩ mà cả các doanh nhân, chính trị gia và những người mắc chứng trầm cảm, căng thẳng do áp lực của cuộc sống”.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có hơn một triệu người chết vì tự sát. Trung bình, cứ 40 giây có 1 người tự kết liễu đời mình. Tỉ lệ người tự tử đã tăng 60% trong 45 năm qua.
Dự báo, đến năm 2020, cứ sau 20 giây sẽ có một người chết vì nguyên nhân này. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự sát là nạn nhân thường rơi vào trạng thái như lo lắng, sợ hãi, tức giận, căng thẳng,... và không được chữa trị.