Trước khi triển khai chương trình, giới chức y tế Nhật Bản không chỉ thu thập đầy đủ thông tin về tính an toàn và hiệu quả của vaccine, mà còn thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho các em.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) phê duyệt việc sử dụng vaccine của hãng Pfizer (Mỹ) để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi vào ngày 18/1. Quyết định phê duyệt được đưa ra dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng của Pfizer và đánh giá của một hội đồng chuyên gia thuộc MHLW về độ an toàn và tính hiệu quả của vaccine đối với trẻ trong nhóm tuổi này. Sau đó, ngày 26/1, MHLW đã thành lập hội đồng để đánh giá những thuận lợi và khó khăn của việc tiêm phòng cho trẻ dưới 12 tuổi đồng thời đảm trách nhiệm vụ phổ biến những thông tin chính xác và cần thiết để các bậc phụ huynh có thể đưa ra những quyết định tốt nhất liên quan đến việc tiêm phòng cho con em.
Trong khi đó, giới chức y tế các địa phương ở Nhật Bản đã không ngừng vận động để thuyết phục bố mẹ/người giám hộ cho các em đi tiêm vaccine. Ông Masatoshi Domen, Giám đốc Hiệp hội Y tế Hiroshima – một trong những địa phương đầu tiên triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, cho biết do có một số phụ huynh lo ngại về tác dụng phụ của vaccine đối với trẻ nên cơ quan y tế của thành phố đã cố gắng giải thích thấu đáo để có được sự phối hợp tốt nhất từ phía gia đình các em.
Ngoài ra, nhiều tổ chức và chuyên gia y tế của Nhật Bản cũng tham gia vào cuộc vận động này. Ngày 19/1, Hội Nhi khoa Nhật Bản đã ra tuyên bố khẳng định: “Chúng tôi tin rằng việc tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 tuổi cũng có ý nghĩa như việc tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên”. Trong khi đó, trao đổi với các phương tiện truyền thông, Giáo sư Tetsuo Nakayama, Chủ tịch Hội Virus học Lâm sàng Nhật Bản, cho rằng cần tiêm vaccine COVID-19 không chỉ cho trẻ em có các bệnh lý nền và có nguy cơ mắc các triệu chứng nặng mà còn đối với các trẻ đang khỏe mạnh. Giáo sư Nakayama nhấn mạnh việc mắc COVID-19 có thể làm kiệt quệ sức khỏe thể chất và tâm thần cho những người không được tiêm chủng. Và ngay cả khi việc tiêm vaccine không giúp bảo vệ trẻ hoàn toàn khỏi việc nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng vẫn có thể giúp các em không gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng khi mắc COVID-19.
Sau một thời gian vận động và chuẩn bị, ngày 26/2, Nhật Bản bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí cho 7,2 triệu trẻ em từ 5-11 tuổi, chiếm khoảng 6% dân số nước này. Mỗi em được tiêm 2 mũi vaccine của hãng Pfizer với khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 3 tuần. Ngay cả khi trẻ bước sang tuổi 12 trong thời gian giữa 2 mũi tiêm, mũi tiêm thứ 2 vẫn có hàm lượng như mũi 1.
Vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ trong nhóm tuổi từ 5-11 có hàm lượng chỉ bằng 1/3 so với vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Vì vậy, để tránh nhầm lẫn, các lọ vaccine dành cho trẻ từ 5-11 tuổi sẽ có nắp màu cam, khác hẳn với các lọ có nắp màu tím cho người từ 12 tuổi trở lên.
Tại Nhật Bản, trẻ từ 15 tuổi trở xuống phải được sự chấp thuận của bố mẹ trước khi tiêm vaccine. Bên cạnh đó, các em cũng được yêu cầu phải có bố mẹ/người giám hộ đi cùng khi tiêm. Để đảm bảo sự yên tâm cho trẻ và gia đình, các điểm tiêm chủng đều bố trí các bác sĩ nhi khoa để cung cấp các thông tin cần thiết cho trẻ và bố mẹ/người giám hộ về liều lượng, số lần tiêm và các phản ứng phụ có thể xảy ra cũng như biện pháp xử lý.
Ban đầu, Nhật Bản chỉ triển khai trên quy mô nhỏ ở một số địa phương và tập trung chủ yếu ở các đối tượng có bệnh lý nền hoặc có nguy cơ gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng nếu mắc COVID-19. Bên cạnh đó, để tránh tạo ra áp lực lên các em và gây ra tình trạng phân biệt đối xử giữa những người đã tiêm và chưa tiêm, MHLW khuyến nghị không tiêm chủng đại trà ở các trường học. Sau đó, vào đầu tháng 3/2022, Nhật Bản mới triển khai chương trình tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi trên diện rộng. Mặc dù vậy, theo MHLW, tính tới ngày 11/3, Nhật Bản mới thực hiện được khoảng 35.000 mũi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ trong nhóm tuổi này.
Theo giới phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ở Nhật Bản vẫn thấp chủ yếu là do người dân Nhật Bản tỏ ra khá thận trọng. Một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi vẫn còn thấp là do theo quy định hiện hành ở Nhật Bản, các em không thuộc diện có “nghĩa vụ nỗ lực” để tiêm chủng. Ngoài ra, việc số ca nhiễm mới ở Nhật Bản đã giảm mạnh trong thời gian gần đây cũng khiến cho nhu cầu tiêm chủng cho các đối tượng này giảm đáng kể. Cụ thể, ngày 2/5, Nhật Bản chỉ ghi nhận 19.258 ca nhiễm mới, giảm mạnh so với mức đỉnh 104.345 ca được ghi nhận hôm 3/2. Tuy nhiên, theo giới phân tích, tâm lý thận trọng của người dân hoàn toàn có thể thay đổi nếu dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Nhật Bản. Và điều này có thể xảy ra trong tương lai gần khi số ca nhiễm mới đang có xu hướng tăng trở lại. Theo thống kê của MHLW, trong tuần từ 10-16/5, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 272.403 ca nhiễm mới, tăng 71.873 ca so với một tuần trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ giữa tháng 4/2022, số ca nhiễm mới ở nước này tăng trở lại. Đáng chú ý, tỷ lệ lây nhiễm trong số thanh, thiếu niên đang có xu hướng tăng và hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất so với các nhóm tuổi khác.
Trong bối cảnh đó, tại cuộc họp hôm 27/4, nhóm chuyên gia cố vấn của MHLW nhấn mạnh điều quan trọng là chính quyền các địa phương cần tăng cường cung cấp thông tin về vaccine và cần thúc đẩy việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, nhưng có tính tới quy định các đối tượng này không có ‘nghĩa vụ phải nỗ lực’ tiêm vaccine.
Mặt khác, để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm trong trẻ em, theo MHLW, điều quan trọng là bố mẹ và người lớn xung quanh họ cần phải đi tiêm vaccine. Tại trường học, trường mẫu giáo và trung tâm chăm sóc trẻ em, cùng với các biện pháp triệt để để phòng ngừa sự lây lan trong trẻ em, cần rà soát lại và thực hiện triệt để các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc tích cực thúc đẩy tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các giáo viên và nhân viên chăm sóc… Điều quan trọng là thiết lập một môi trường, nơi trẻ em và các giáo viên có thể nghỉ học/nghỉ làm trong trường hợp sức khỏe không tốt. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét việc bảo đảm các cơ hội học tập (cho trẻ em) thông qua nhiều biện pháp như bố trí học so le hay học trực tuyến, và duy trì các hoạt động xã hội. Ngoài ra, cần phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ngay tại nhà. Nhiều người tin rằng nếu triển khai tốt các biện pháp trên, Nhật Bản chắc chắn thành công trong việc kiểm soát và bảo vệ trẻ em trước dịch COVID-19.